7 bước cai nghiện thuốc lá hiệu quả
Khi mới bắt đầu, bạn sẽ thấy mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ hoặc tăng cân, cần xác định lý do bỏ thuốc và đối phó với các yếu tố kích thích...
Phát biểu trong hội nghị báo cáo kết quả giai đoạn 1 dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Trạm y tế xã” mới đây ở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y- Xã hội học, Giám đốc dự án khẳng định cai thuốc lá, thuốc lào hoặc các chế phẩm từ thuốc lá không phải là một quá trình ngắn và dễ dàng nhưng không phải không thể làm được.
Trong 2 đến 4 tuần đầu, bệnh nhân cai thuốc sẽ phải trải qua những cơn thèm thuốc mạnh mẽ và ảnh hưởng bởi triệu chứng cai khi cơ thể thiếu hụt nicotine. Một số cảm giác khó chịu sẽ xảy đến với họ như mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ hoặc tăng cân. Tuy nhiên sau một vài tuần, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất.
Người cai nghiện phải đối mặt với những yếu tố kích thích do cảm xúc, tình huống hoặc các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mang lại. Những yếu tố này làm cho họ cảm thấy thèm thuốc và làm việc cai thuốc dễ thất bại, ví dụ như hút thuốc vào buổi sáng lúc uống cà phê, hút thuốc và lúc nghỉ giữa giờ làm hoặc sau bữa ăn. Nếu tiếp tục ở trong các tình huống này, các yếu tố kích thích sẽ gây cho bạn cảm giác thèm thuốc.
Thực tế cho thấy rất nhiều nam giới muốn bỏ thuốc nhưng ít người thành công. Vì thế một mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá tại tuyến y tế cơ sở đã được thực hiện nhằm cung cấp bằng chứng về hiệu quả của mô hình để nhân rộng tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Dự án do Viện Nghiên cứu Y- Xã hội học, Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Đại học New York thực hiện tại thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên trong 5 năm từ 2014- 2018 do Viện Sức Khỏe - Bộ Y tế Mỹ tài trợ. Tiến sĩ Nam cho biết tất cả các cán bộ trạm y tế, y tế thôn bản của các xã tham gia giai đoạn 1 của dự án đã được đào tạo trang bị các kiến thức về tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Sau đó, chính những cán bộ này đã tham gia trực tiếp công tác hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá và đem lại kết quả đáng khích lệ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khảo sát, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học cho biết, sau 6 tháng triển khai, 56% bệnh nhân được cán bộ y tế hỏi về tình trạng hút thuốc, 60% bệnh nhân được khuyên bỏ thuốc và một nửa nhận được tư vấn nhanh hỗ trợ cai thuốc lá của cán bộ y tế. Đặc biệt, 35% người hút thuốc đã cai thuốc ở thời điểm đánh giá 6 tháng sau khi nhận tư vấn hỗ trợ cai thuốc từ các y tế thôn bản- với vai trò là tư vấn viên của dự án.
Tại Việt Nam, gần một nửa nam giới trưởng thành đang hút thuốc lá. Với dân số khoảng 90 triệu người, Việt Nam là nước có tổng số người trưởng thành hút thuốc lá cao thứ hai tại Đông Nam Á (hơn 16 triệu người).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc giảm số người tử vong do hút thuốc lá sẽ đạt được trong tương lai gần thông qua việc hỗ trợ người hút thuốc lá bỏ thuốc. Điều trị cai thuốc lá theo hướng dẫn điều trị sử dụng và phụ thuộc vào thuốc lá là biện pháp có chi phí hiệu quả cao. Tư vấn và hỗ trợ bởi nhân viên y tế bao gồm thăm hỏi bệnh nhân về tình hình sử dụng thuốc lá, tư vấn cai thuốc lá, đánh giá sự sẵn sàng, hỗ trợ được chứng minh hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ cai thuốc lá.
Thực hiện cai thuốc lá theo 7 bước sau
- Xác định lý do cai.
- Đánh giá mức độ, tình trạng cơ thể phụ thuộc vào nicotine.
- Kinh nghiệm cai thuốc lá trong quá khứ.
- Đối phó với các yếu tố kích thích.
- Các nguồn hỗ trợ khi cai thuốc.
- Dược phẩm hỗ trợ cai thuốc.
- Lập kế hoạch cai thuốc.
Các tin khác