Đông y đánh giá cao và rất coi trọng các giải pháp phòng bệnh không dùng thuốc. Xoa bụng là một trong những cách được các bác sĩ thường xuyên khuyên bệnh nhân áp dụng thử.
Xoa bụng không chỉ có thể giảm béo, mà còn có thể chữa bệnh
Vào một ngày mùa thu, bác sĩ Tạ Hằng Huy đến thăm một người bạn đã về hưu lâu ngày không gặp. Ông rất bất ngờ về người bạn của mình, sau khi về hưu, do thiếu tập luyện và vận động nên cơ thể bị tăng cân, từ đó dẫn đến bị huyết áp cao và mỡ máu. Họ cùng nói chuyện về chủ đề giảm cân hiệu quả.
Bác sĩ Huy cho rằng, bí quyết để giảm cân chính là giảm số đo vòng bụng. Đây cũng là vị trí của cơ quan tiêu hóa và cơ quan nội tạng khác. Bụng là nơi tích mỡ nhiều nhất, nếu muốn giảm cân, phải bắt đầu từ vùng bụng.
Theo quan niệm Đông y, vùng bụng chủ yếu chứa các kinh âm, là nơi kết nối các đường kinh âm và kinh dương. Âm tính lạnh, là nơi khí lạnh tụ hội tại đây nhiều nhất, vì vậy, việc xoa bụng là nền tảng quan trọng để giải phóng phần khí lạnh dư thừa.
Trong bàn tay có một huyệt vị gọi là huyệt lao cung, là hỏa huyệt, có hiệu quả trong việc dưỡng ấm.
Thường xuyên dùng lòng bàn tay xoa bụng cho đến khi các huyệt trong bàn tay nóng lên, đồng thời bụng cũng được tăng cường hơi ấm, không chỉ làm cho cơ thể tự điều chỉnh được nhiệt độ ở nơi tích tụ nhiều mỡ nhất, mà còn có thể bồi bổ nguyên khí, từ âm bổ dương.
Cách thực hiện:
Mỗi ngày, bạn có thể dùng bàn tay xoa bụng 3 lần vào sáng, trưa, tối. Đầu tiên nên xoa bụng dưới theo chiều ngược kim đồng hồ. Sau đó xoa xuôi theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần xoa bụng ít nhất khoảng 36 vòng, hoặc nhiều hơn 36 vòng đều được.
Lực xoa ở mức vừa phải, nếu xoa bụng trong trạng thái làm cho mềm bụng thì càng tốt hơn. Khi bụng dưới đủ ấm, nguyên khí sẽ đủ đầy, việc giảm mỡ bụng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Trong thực tế, xoa bụng không chỉ có tác dụng giảm mỡ bụng, mà còn có các tác dụng bất ngờ sau đây.
1. Phòng chữa táo bón
Nhiều người bị táo bón nhưng không thích uống thuốc, bởi có người sau khi uống thuốc sẽ khỏi, nhưng khi ngừng thuốc thì bệnh lại tái phát trở lại, tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn, phụ thuộc vào thuốc, phải uống trong thời gian dài. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng giải pháp xoa bụng, giúp cho cơ thể tự hồi phục lại chức năng đường ruột, đại tiện thông suốt.
Khi xoa bụng, dùng lực vừa phải, tập trung tinh lực, hít thở tự nhiên, kiên trì dài ngày sẽ nhận được kết quả rất khả quan.
Khi xoa bụng sẽ có cảm giác bụng nóng lên, có cảm giác đói, có tiếng bụng kêu, trung tiện… Đây đều là những triệu chứng bình thường, không phải lo lắng.
2. Cải thiện nhu động dạ dày, đường ruột
Những người có dạ dày hoạt động yếu, sau khi thực phẩm đi vào dạ dày, chúng không đủ sức để nhào trộn và đẩy xuống đường ruột, thường xuyên xuất hiện các hiện tượng buồn nôn, khó chịu, đau bụng, đầy bụng, ợ nóng, khó nuốt và giảm cân bất ngờ.
Ngoài việc điều chỉnh thực đơn ăn uống hàng ngày ra, việc xoa bụng sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng khác biệt.
Khi xoa bụng, nên dùng lực ở mức vừa phải, hít thở tự nhiên, càng xoa đều đặn bao nhiêu, càng có lợi cho sự vận hành của dạ dày bấy nhiêu. Việc tiêu hóa thực phẩm trong đường ruột sẽ trở nên thuận lợi hơn.
3. Điều trị bệnh lá lách suy giảm chức năng
Trẻ em khi mắc bệnh dạ dày khỏe nhưng lá lách yếu sẽ có hiện tượng ăn rất khỏe nhưng người vẫn gầy, cơ thể nhỏ bé, tóc vàng hoe và một số dấu hiệu khác.
Đây là hiện tượng trẻ ăn uống tốt nhưng tiêu hóa không tốt, giống như việc nhà máy sản xuất ra hàng hóa nhưng lại không bán được, qua thời gian sẽ tích lũy lại thành số lượng lớn.
Trong trường hợp này, có thể áp dụng việc xoa bụng cho trẻ. Dạ dày và ruột của trẻ đều nằm trên vùng bụng, do đó bạn có thể xoa đều tay theo chiều kim đồng hồ một cách nhẹ nhàng, trẻ có thể sẽ cảm thấy rất thoải mái một cách tự nhiên ngay sau khi bạn xoa bụng.
Đây cũng là giải pháp thậm chí được xem là hiệu quả và an toàn hơn việc dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa.