Cách điều trị chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ cực kì hiệu quả
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, mệt mỏi, mất nước… Do đó, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu về chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ để có hướng điều trị và cải thiện chế độ ăn uống kịp thời.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ không chỉ khiến trẻ mệt mỏi và mất nước mà còn ảnh hưởng rất lớn tới dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ. Vậy, biểu hiện như thế nào cho biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám độc bệnh viện Nhi Trung ương, đã tham gia chuyên mục Sống khỏe để đáp thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh.
Phụ huynh của trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Thưa bác sĩ, trẻ bị rối loạn tiêu hóa thì thường có những biểu hiện như thế nào?
Tiến sĩ Trần Minh Điển: Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường có 2 biểu hiện, biểu hiện thứ nhất nhìn thấy ngay là nôn, biểu hiện thứ hai là tiêu chảy. Bên cạnh hai biểu hiện này, biểu hiện có thể thấy thêm ở từng trẻ như đầy bụng, khó chịu, ợ hơi.
Đặc biệt, với rối loạn tiêu hóa, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý đến vấn đề mất nước ở trẻ. Với các biểu hiện hàng đầu của các cháu như khát, môi khô, khóc không có nước mắt, tiểu ít đi… Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, điều đầu tiên cha mẹ cần xác định tình trạng mất nước ở trẻ, bằng việc kiểm tra ngay xem trẻ khát không, đi tiểu cho như bình thường hay không, môi khô như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho con.
Phụ huynh: Con tôi bị rối loạn tiêu hóa, cháu đi ngoài rất nhiều, làm thế nào để bù nước cho cháu?
Tiến sĩ Trần Minh Điển: Gần đây với các phương tiện thông tin đại chúng và chương trình tiêu chảy quốc gia, tất cả các bà mẹ đã hiểu được rất rõ vai trò của nước và điện giải trong tiêu chảy như thế nào. Các ông bố bà mẹ cần hết sức chú ý khi trẻ bị tiêu chảy, cần phải bù nước cho con ngay.
Các bậc phụ huynh thường lo lắng nếu con uống vào con lại đi ra, do vậy cách thức uống nước cho trẻ như thế nào là đúng cũng hết sức quan trọng. Cần cho trẻ uống nhẹ nhàng, từ từ, mỗi một lần một đứa trẻ từ 7 – 10 tháng cần uống 5 – 7 thìa, rải rác, để cở thể trẻ có thể hấp thụ lượng nước theo đường tiêu hóa. Nếu cho trẻ uống luôn ngay 1 cốc, thì nước sẽ theo đường ruột đang tăng lưu động như vậy, sẽ khiến các cháu đi ngoài ngay chỗ dịch đó.
Phụ huynh: Rối loạn tiêu hóa cứ lặp đi lặp lại nhiều như vậy thì có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ không?
Tiến sĩ Trần Minh Điển: Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong năm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng trong cơ thể của trẻ, trong đó có cả chiều cao và cân nặng của đứa trẻ. Khi tiêu chảy nhiều, sẽ khiến niêm mạc ruột bị tổn thương và khi niêm mạc ruột bị tổn thương sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng từ ngoài vào kém đi, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển cân nặng và chiều cao của trẻ.
Do vậy, bản thân tôi nghĩ, nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong 1 năm thì các bậc cha mẹ cần tới các cơ sở y tế lớn để có thể đưa ra nhận định và lời khuyên về bệnh lý này và xác định bệnh cho chắc chắn.
Những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ
Rối loạn tiêu hóa là một thuật ngữ thường dùng để chỉ những bất thường về chức năng dạ dày. Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa rất đa dạng như: bệnh lý của cơ thể, thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc… đặc biệt là sự thay đổi chế độ ăn đột ngột của trẻ em khi bắt đầu ăn dặm, sẽ gây nên rối loạn tiêu hóa thể hiện qua các triệu chứng như: đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, phân sống.
Với những trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường tại đường tiêu hóa, chắc chắn khả năng cung cấp đủ các chất cho cơ thể bị ảnh hưởng.
Trẻ ăn vào ói ra, kém hấp thu… lâu ngày sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và diễn tiến đến suy dinh dưỡng.
Vì vậy, những trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nên được đi khám sớm và đúng chuyên khoa để có hướng điều trị đúng cho trẻ.
Dưới đây là một số bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em:
Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng trào ngược những chất chứa trong dạ dày vào trong thực quản.
Do cấu trúc giải phẫu dạ dày – thực quản của trẻ nhỏ không giống như người lớn, thực quản thì ngắn, phần dưới hơi nở rộng, lớp cơ chưa phát triển hoàn chỉnh và còn yếu, cơ tâm vị co thắt bất thường nên bé rất dễ nôn trớ.
Nếu trẻ nôn ít (vài ba ngày mới ọc 1 lần hay 1 ngày ọc 2 lần), vẫn bú khỏe, lên cân tốt thì không sao và hiện tượng trào ngược này sẽ giảm dần khi trẻ lớn.
Dù có điều trị hay không thì đến năm 2 tuổi, khoảng 60% trẻ sẽ tự hết, 40% còn lại có thể kéo dài đến 4 tuổi.
Trẻ bị táo bón
Táo bón không phải là bệnh, mà chỉ là 1 triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau hoặc chỉ là 1 rối loạn cơ năng (thường gặp nhất).
Táo bón được định nghĩa khi bé có số lần đi tiêu ít hơn bình thường (thay đổi theo lứa tuổi và mỗi cá nhân) với phân to, cứng, đau khi đi tiêu và đôi khi có máu.
Táo bón có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm ruột, thủng ruột… Do đó, cần được khám và tìm nguyên nhân gây táo bón để có điều trị thích hợp.
Táo bón rất hay gặp ở trẻ còn nhỏ khi thức ăn có quá nhiều mỡ, chất đạm và ít chất khoáng, cũng có khi do uống nhiều sữa bò, sữa bột vì ít sữa mẹ.
Các cơ bụng và thành ruột cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra táo bón.
Những đứa trẻ còi xương, sinh thiếu tháng rất hay bị táo bón. Ở những trẻ lớn hơn, táo bón thường do ăn nhiều thức ăn cứng hoặc không đủ lượng vitamin B1 cần thiết, có khi do lỗ hậu môn bị rạn.
Việc cho trẻ ăn nhiều rau quả sẽ giúp cho cơ bụng và thành ruột co bóp tốt hơn. Các loại nước ận ép hoặc nước luộc củ cải cũng có tác dụng chống táo bón.
Cách đề phòng táo bón tốt nhất là tập cho trẻ thói quen đi ngoài vào một giờ cố định trong ngày.
Các thuốc nhuận tràng chỉ nên uống sau khi hỏi ý kiến của bác sĩ.
Trẻ bị tiêu chảy
Khi trẻ đi tiêu ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là tiêu chảy.
Là một bệnh thông thường, nhưng nếu bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời.
Do đó, điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là phải bù điện giải cho trẻ, tốt nhất bằng nước oresol và phải tuân thủ hướng dẫn pha oresol, cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày.
Còn nếu trẻ diễn tiến bệnh nặng hơn, tốt nhất hãy đưa trẻ đến một cơ sở y tế để điều trị.
Để phòng bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn.
Còn khi bệnh, ngoài việc bù nước, điện giải tốt nhất, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn loãng, dễ tiêu giúp tăng cường sức khỏe, trẻ sẽ có đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy.
Bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài do chế độ ăn uống?
Hỏi: Con tôi được 6 tháng, cháu bú sữa ngoài hoàn toàn từ lúc mới sinh. Nhưng từ tháng thứ 4 cho đến nay cháu bị đi ngoài lúc đặc lúc lỏng,lúc hoa cà hoa cải lúc thì toàn nước. Cháu đã đi khám ở bệnh viện nhi Trung Ương 2 lần, lần thứ nhất bác sỹ kết luận cháu bị tiêu chảy kéo dài nhưng cháu uống thuốc chỉ đỡ hơn nhưng cũng không khỏi (trước khi uống thuốc cháu đi 7-8 lần /ngày. Sau khi uống thuốc cháu đi 4-5 lần / ngày ). Lần thứ 2 tôi lại cho cháu lên viện nhi Trung Ương khám bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm khuẩn bạch cầu và uống thuốc vẫn không khỏi. Một ngày cháu đi ngoài 3-4 lần. Cháu được 8,5 kg ,ăn uống, vui đùa bình thường. Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi. Và khi nào cháu nên uống bổ sung thêm canxi. Uống loại nào là tốt nhất.
Bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng nhi tư vấn:
Cháu được 6 tháng, cân nặng 8,5kg là bình thường. Tình trạng đi ngoài của cháu như vậy là rối loạn tiêu hóa kéo dài. Nguyên nhân phần lớn do chế độ ăn. Mặt khác, cháu bú sữa ngoài từ lúc sinh nên sức đề kháng sẽ giảm so với cháu bú sữa mẹ hoàn toàn. Bởi vì, trong sữa mẹ có các chất dinh dưỡng và kháng thể mà sữa ngoài không thể có được.
Để khắc phục, trước hết cần điều trị triệt để tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột (nếu có). Từ tháng thứ 6 trở đi ngoài sữa ra, cần bổ sung thêm 2 – 3 bữa cháo hoặc bột. Cần chế biến gồm thịt (trứng, cá), rau xanh, dầu (mỡ). Chú ý cần vệ sinh sạch sẽ từ bát đũa, cốc, bình sữa. Rửa tay sạch trước khi cho ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, các loại men vi sinh giúp bé ăn ngon, kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Chị hoàn toàn có thể bổ sung canxi và vitamin D3 cho cháu.
Tư vấn chế độ ăn cho bé bị rối loạn tiêu hóa
Theo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nhi, các bé bị rối loạn tiêu hóa cần phải có một chế độ ăn đặc biệt.
Hỏi: Cháu chào bác sỹ, bé nhà cháu năm nay 18 tháng mà cân nặng chỉ được 10kg. Nhìn bên ngoài thì bé không đến nỗi còi lắm nhưng cân nặng rất ít. 18 tháng nhưng cháu đã ăn được cơm, tuy nhiên không ăn được nhiều.
Hàng ngày em có cho bé ăn thành 7 bữa: 5 bữa ở trường (3 chính + 2 phụ) + 1 bữa buổi tối ăn cơm + 150 – 180ml sữa trước khi đi ngủ.
Hệ tiêu hoá của bé không được tốt lắm, ăn thứ gì lạ là bị tiêu chảy ngay. Bác sỹ có thể tư vấn cho cháu về chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là tăng cường sức đề kháng cho bé. Em cảm ơn bác sỹ nhiều.
Trả lời của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nhi
Bạn không nêu rõ cháu là bé trai hay gái. Nếu là bé gái thì cân nặng của bé là ở giới hạn bình thường, nhưng ở ngưỡng dưới. Nếu là bé trai thì hơi nhẹ cân so với tiêu chuẩn. Vấn đề cần giải quyết là hệ tiêu hóa của bé không được tốt, bạn nên cải thiện sớm để bé có 1 hệ tiêu hóa khỏe mạnh, như vậy bé mới tăng cân tốt được.
Trường hợp của bé nhà bạn, mỗi lần cho con ăn món mới, lạ bạn nên cẩn trọng. Lý do là hệ tiêu hóa non nớt của trẻ rất nhạy cảm, dễ phản ứng và có thể khiến trẻ bị dị ứng với thức ăn, gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là với những bé có cơ địa yếu dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón.. ).
Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài thì sức đề kháng sẽ giảm, dễ biếng ăn, chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé như sau:
- Đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.
- Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn cần phải nhai khi trẻ chưa có đủ răng, vì động tác nuốt mà chưa nhai kỹ làm cho hệ tiêu hóa dưới phải làm việc nhiều và nặng hơn, có thể làm giảm sự tiết men và giảm cả nhu động ruột.
- Đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, sữa… để tế bào ruột sinh sản và phát triển khỏe mạnh (chất đạm, vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin A…) để tiêu hóa và hấp thu tốt.
- Điều trị bệnh triệt để khi trẻ mắc bệnh và phòng ngừa bệnh chủ động bằng tiêm chủng. Đặc biệt, cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị bệnh: không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu. Cho trẻ ăn phục hồi sau giai đoạn bệnh.
Chế độ ăn cho mẹ và bé khi con bị rối loạn tiêu hóa
Khi con bị rối loạn tiêu hóa, mẹ cần chú ý hơn trong thực đơn cho bé và cả mẹ nếu còn cho con bú.
Hỏi: Chào bác sĩ, bé nhà em 8 tháng 10 ngày rồi mà giờ cháu vẫn đi ngoài ngày 3-4 lần, phân vàng. Đi phân cũng sánh nhưng cuối bãi lại có bọt vàng và phân không thành khuôn.
Em đưa bé đi khám thì bác sĩ cho uống Cotrimoxazol với Ybio mà vẫn chưa đỡ. Bé mới được 8kg thôi ạ.
Em chỉ sợ rằng do bé ăn cua, cá sớm quá (từ lúc 7 tháng) nên giờ bé mới đi ngoài như vậy. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.
Trả lời của bác sỹ dinh dưỡng:
Do không trực tiếp thăm khám cho bé cũng như không rõ diễn biến bệnh của bé ra sao, nên chúng tôi cũng không đưa ra được chẩn đoán xác định. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, hơn nữa mặc dù được dùng thuốc theo đơn nhưng bệnh chưa thuyên giảm, vậy lựa chọn hiện nay là bạn sớm đưa bé gặp lại bác sĩ để thăm khám tìm nguyên nhân sâu hơn và chỉ định hướng điều trị tiếp theo.
Hiện bé có cân nặng ở trong giới hạn bình thường so với chuẩn (trung bình 8 tháng 10 ngày bé trai nặng 8,7kg, cao 71,0cm; bé gái nặng 8,0kg, cao 69,2cm), nếu là bé trai thì hơi nhẹ cân, có thể nói tình trạng rối loạn tiêu hóa chưa làm ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng cân nặng của bé. Như vậy nguyên nhân có thể là do cho bé ăn chưa cân đối và phù hợp với lứa tuổi.
Song song với việc điều trị theo đơn bạn nên điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp với lứa tuổi theo khuyến cáo sau:
Cho đến tròn 10 tháng tuổi trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ đủ không cần ăn thêm sữa công thức) và 3 bữa bột/cháo xay (tổng 600ml/ngày) đặc dần, tổng tăng dần từ khoảng 45-60g gạo tẻ trắng, 45-60g thịt (tôm, cá…), 15g dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…
Bạn lưu ý cho bé ăn bổ sung theo nguyên tắc: “ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc, làm quen từng loại thực phẩm…”nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, chỉ ăn gạo tẻ trắng, không ăn nước xương hầm, ăn nhạt… tròn 7 tháng sang tháng thứ 8 mới nên cho bé tập ăn tôm (cua, cá…).
Bạn lưu ý: Để duy trì đủ sữa cho con mẹ nên ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc 200ml sữa công thức trước khi ngủ, tăng cường cho bé bú, vắt sữa khi không gần con (bạn nên uống lại nếu không có điều kiện mang về cho con).
Trong thời gian bé có tình trạng rối loạn tiêu hóa chế độ ăn của cả 2 mẹ con cần tạm dừng các loại thức ăn giàu chất đường ngọt, thức ăn của con nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa (gạo tẻ trắng, thịt lườn gà, thịt thăn lợn, thêm cà rốt, khoai tây…), thức ăn cần được hầm nhừ xay nhuyễn, có thể nấu loãng hơn và tăng bữa cho bé, vẫn đảm bảo cho dầu (mỡ) và cháo xay cho bé.
Trẻ rối loạn tiêu hóa do thực đơn không cân đối
Hỏi: Thân chào bác sĩ. Hiện nay, bé nhà cháu (bé gái) được 7 tháng 6 ngày, bé nặng 7,4kg cao 69,1cm. Lúc sinh ra bé nặng 2.9kg. Cháu cho bé bú mẹ và bú thêm sữa ngoài, cho bé ăn dặm lúc 5,5 tháng, thời gian đầu bé lên cân bình thường.
Ngày 1.6, cháu cân bé nặng 7,7kg, cách đây 2 tuần bé bị táo bón, sau đó bé lại đi ngoài ngày 2 lần (4 ngày liên tiếp), giờ đi lại bình thường. Từ đó đến nay, bé sụt 300gram. Hiện tại, cháu cho bé ăn ngày 2 lần (10-11 giờ sáng và 6 giờ chiều). Bé rất biếng ăn, lười bú sữa ngoài, bé vẫn chơi bình thường. Khi bú mẹ, bé ra hay mồ hôi ở đầu, tối ngủ hay lăn lộn.
Bé vẫn sợ ăn, mỗi lần đút ăn bé lại quay đi. Khi nếm 1 muỗng thấy ngon bé mới ăn, có phải do cháu chưa biết chế biến thức ăn nên bé mới thế không? Bé lại thích ăn trái cây. Cháu đang cho bé ăn bơ, đu đủ, chuối, quýt, bưởi, táo ép…
Thưa bác sĩ, con cháu có những biểu hiện như vậy là bị bệnh gì? Ngoài những trái cây trên bé có thể ăn những trái cây nào? Mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ, cháu cảm ơn.
Trả lời của bác sỹ dinh dưỡng:
Hiện tại con gái bạn có chiều cao, cân nặng ở trong giới hạn bình thường (trung bình bé gái 7 tháng 6 ngày tuổi nặng 7,7kg, cao 67,8cm), tuy nhiên cân nặng hơi nhẹ hơn so với chiều cao. Hiện bé có tình trạng biếng ăn và giảm cân (0,3kg/2 tuần), như vậy việc biếng ăn đã ảnh hưởng đến cân nặng của bé. Bé ngủ hay lăn lộn là giấc ngủ của bé không sâu (tình trạng rối loạn giấc ngủ). Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, biếng ăn, chậm tăng cân… bạn nên sớm đưa bé tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên bạn cần xem xét việc cho bé ăn bổ sung đã đúng cách và có cân đối phù hợp với lứa tuổi không? Ở lứa tuổi này (cho đến tròn 10 tháng tuổi), trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ đủ bé không cần ăn thêm sữa công thức và các sản phẩm từ sữa khác…) và 3 bữa bột (600ml/ngày) đặc dần, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm.
Bạn nên xem xét cho bé ăn đầy đủ, cân đối phù hợp với hướng dẫn trên. Khẩu phần ăn không cân đối, phù hợp với lứa tuổi có thể dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa (táo bón, sống phân, nôn trớ, biếng ăn…). Không nên ép bé ăn, nên chia nhỏ bữa ăn cho bé và không kéo thời gian ăn quá 30 phút/bữa. Bé có thể ăn được tất cả các loại trái cây mà bạn có, tuy nhiên bạn lưu ý phải tập làm quen từng loại và trái cây phải được chế biến phù hợp với tuổi của bé (mềm, mịn…).
Bạn nên tăng cường cho bé bú (việc này giúp lượng sữa mẹ tăng lên), bạn nên ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc uống 200ml sữa công thức trước khi ngủ (vì sữa mẹ được tiết nhiều vào đêm).
Giúp mẹ xử lý rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Chuyện tiêu hóa, hấp thu của bé luôn là “bài toán khó” với mẹ. Dù tham khảo thông tin từ sách báo, internet, bạn bè… nhưng không phải mẹ nào cũng có thể là chuyên gia cho con.
Hãy cùng kiểm tra nhanh hiểu biết với TS, BS Nguyễn Anh Tuấn – Thư ký Chi hội Tiêu hóa Gan Mật Nhi VN để có thêm những kinh nghiệm chăm sóc cho con cái.
Tình huống 1: Mẹ biết gì về hiện tượng trào ngược dạ dày?
Mẹ: Sau khi ăn, thức ăn thường trào ngược lên thực quản, khiến bé dễ ói. Chỉ cần giữ bé bú ở tư thế đầu cao hơn thân và vỗ lưng cho bé ợ sau khi ăn là có thể phòng tránh.
Tư vấn của Tiến sĩ – Bác Sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Về cơ bản, mẹ đã có thông tin và cách xử lý đúng nhưng chưa đủ. Trào ngược dạ dày có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có khi là triệu chứng của một bệnh nào đó. Điều cốt lõi của phương pháp phòng tránh hiện tượng này là không nên cho bé ăn hoặc bú quá no và trẻ luôn cần được ợ hơi dễ dàng. Chính vì vậy, ngoài việc chú ý tư thế bú với đầu cao hơn thân, mẹ nên chia nhỏ các cữ bú, kết hợp vỗ nhẹ vào lưng cho trẻ sau ăn, giúp trẻ ợ hơi. Hãy cố gắng giữ trẻ ngồi yên (nằm yên) ít nhất 15 phút sau khi ăn nhé!
Tình huống 2: Khi nào mẹ biết bé “nặng bụng” vì táo bón? Mẹ phải làm gì để giúp bé?
Mẹ: Khi bé không đi tiêu được. Ăn rau và uống nước sẽ giúp con hết táo bón.
Tư vấn của TS-BS Nguyễn Anh Tuấn: Tình trạng táo bón có thể nặng và nhẹ. Khi bị táo bón nhẹ, trẻ vẫn đi tiêu được nhưng khó khăn và phân rắn. Nặng hơn, bé sẽ không đi tiêu tự nhiên được. Thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống và một số rối loạn sức khỏe khác chính là nguyên nhân gây táo bón. Không chỉ cho trẻ uống thêm nước, nước trái cây, thêm rau xanh vào thực đơn, Mẹ còn phải xem lại thành phần dinh dưỡng trong loại sữa mà Mẹ đang cho trẻ sử dụng. Sữa bột có hệ dưỡng chất bổ sung thành phần giàu chất xơ GOS, sẽ giúp làm phân mềm và tăng cường đào thải cặn bã thức ăn. Tập cho bé đi cầu mỗi ngày vào một giờ nhất định sẽ giúp bé có phản xạ thói quen và tránh hiện tượng “nín nhịn” đi cầu.
Tình huống 3: Mẹ làm gì khi trẻ đầy hơi, khó tiêu, hấp thu kém?
Mẹ: Thay đổi các loại thức ăn mềm, sẽ giúp con dễ tiêu hoá và hấp thu tốt.
Tư vấn của TS-BS Nguyễn Anh Tuấn: Mẹ cần hiểu rõ hơn nguyên nhân đầy hơi để có cách phòng chống khoa học nhất cho con. Đầy hơi ở trẻ có thể do cơ thể trẻ bất dung nạp lactose trong sữa công thức thông thường hoặc chưa đủ men để tiêu hóa. Hấp thu kém thường do các bệnh cấp tính như viêm hô hấp, viêm tai… thậm chí, do rối loạn sinh lý (VD: mọc răng) hay can thiệp (VD: chủng ngừa) và đặc biệt là do khẩu phần ăn thiếu cân bằng, làm giảm tiết men tiêu hóa và co bóp của ống tiêu hóa.
Mẹo nhỏ cho mẹ là hãy chọn dinh dưỡng dễ tiêu hóa cho trẻ. Chọn sữa chứa đạm Whey thủy phân một phần, với hỗn hợp đa đường bột, giảm lactose, kết hợp với hỗn hợp chất béo không dầu cọ và tăng cường chất xơ GOS sẽ giúp trẻ nhỏ không gặp các vấn đề rắc rối ở hệ tiêu hóa như: táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, nôn trớ… từ đó, hấp thu đầy đủ các dưỡng chất và phát triển toàn diện.
Các tin khác