Cách ứng xử khôn khéo với trẻ hay ăn vạ, la hét, khóc ầm ĩ
Theo chuyên gia Anh Nguyễn, trẻ không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt ý kiến hoặc suy nghĩ nên dễ sinh ra ăn vạ khóc lóc khi không được theo ý muốn. Vì thế, anh đã đưa ra cách ứng xử khôn khéo dành cho những bà mẹ.
Nhiều cha mẹ băn khoăn về việc làm sao xử lý với những tình huống ương bướng với một số trẻ rất hay khóc, rất hay đòi mẹ bồng/bế dù ở nhà hay ở nơi công cộng hoặc trẻ tự dưng khóc-bướng bỉnh (Cha mẹ thường gọi là “hay giận”).
Đặc biệt những tình huống khó khăn này xảy ra ở nơi công cộng khi không có “chiếc ghế hư đốn” để thực hiện phương pháp TIME-OUT.
Câu trả lời cho hành vi hay “giận”, bướng bĩnh hoặc hay khóc
Trạng thái hành vi này được các chuyên gia tại ĐH Connecticut, Mỹ định nghĩa đơn giản với 1 câu nói: “Con không biết nói hoặc nói đầy đủ ý, nhưng ý con là muốn được ngay điều con muốn”. Theo GS. James A Green, đây là một hành vi hoàn toàn bình thường vì trẻ có 2 cái khó:
+ Khó thứ 1: Trẻ không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt ý kiến hoặc suy nghĩ.
+ Khó thứ 2: Trẻ chưa đủ nhận thức để nhận ra hành vi này là chưa đúng tại thời điểm xảy ra.
Nghiên cứu của GS. Michael P., ĐH Minnesota, Mỹ đã quan sát trên 1 nhóm trẻ từ 6 – 31 tháng tuổi về hành vi ương bướng lặp lại và cách xử lý của cha mẹ đã cho thấy: những đáp ứng của cha mẹ như quát mắng, lôi kéo trẻ ra, dụ dỗ, dọa bỏ trẻ ở lại ba mẹ đi, thậm chí đánh trẻ ở nơi công cộng là hoàn toàn không có hiệu quả, hành vi này sẽ vẫn tiếp diễn cho những lần sau. Thậm chí, trong thời gian quan sát 6 tuần, GS tìm thấy sự lặp lại cả về cường độ và tần suất xuất hiện.
Như vậy, theo lời khuyên của GS. Michael P. và chuyên gia giải quyết các vấn đề trẻ nhỏ Jo Frost, để giải quyết tình huống này chỉ là để trẻ có thời gian và không gian để học được khả năng tự kiểm soát.
Chỉ có thể rằng:
Cha mẹ nên tạo cho trẻ 1 cảm giác “Trầm” – nghĩa là không tạo thêm năng lượng cho hoạt động “la hét, khóc hay bướng bỉnh của trẻ".
Từ trạng thái “Trầm”, cha mẹ nên để sang trạng thái “Chấp nhận đợi”- nghĩa là cha mẹ không cần làm gì và chỉ có thể chấp nhận đợi con qua “cơn bão” .Thời gian đợi là rất khác nhau tùy mỗi bé. Thông thường số phút sẽ là gấp 4 lần số tuổi của bé.
Tuy nhiên, nếu bạn không kiên nhẫn đợi mà bạn tác động vào như ôm dụ dỗ, lôi kéo, hoặc trách mắng thì thời gian đợi sẽ lặp lại từ đầu và lần này sẽ là gấp 8 lần. Do đó, lời khuyên của Jo Frost là: “Tôi biết việc khó khăn nhất là nhìn bé quấy khóc mà bạn không làm gì bởi vì bạn thương và xót bé, bởi vì tôi cũng là mẹ của 2 bé: 1 bé 2 tuổi và 1 bé 4 tuổi. Nhưng nếu bạn tác động vào giai đoạn này thì bé rất “bướng” cho giai đoạn sau và sẽ ương bướng bất cứ lúc nào trẻ muốn vì không tự học được cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Nếu hành vi này xảy ra nơi công cộng đông người như nhà thờ, hay thư viện, nhà hàng thì bạn nên ôm bé ra ngoài và “chấp nhận chờ con qua cơn bão”.
"Cơn bão" qua sẽ để lại một vùng nhiễu áp thấp nhiệt đới và sẽ suy tàn, mang lại 1 trạng thái tâm lý dễ lắng nghe. Lúc này, Bạn chỉ việc ở bên bé, đợi bé phản ứng và bạn có thể tiếp tục trò chuyện.
Câu chuyện bắt đầu với tâm trạng nghiêm (mặc dù tôi biết bạn thương bé, lo cho bé, và muốn ôm con ngay, nhưng hãy đợi thêm 2-3 phút sau “cơn bão”) và nói: “Mẹ biết con khó nói điều con muốn, nhưng cách con xử lý như vậy là mẹ không muốn.” Sau đó, bạn có thể giúp bé hoạt động lại bình thường.
Lời khuyên
Lợi ích của hướng giải quyết trên là giúp bé có không gian và thời gian để điều chỉnh cảm xúc, lúc này trẻ có thể rất “bão tố”, nhưng cơn bão ở những lần sau sẽ thật sự gây bất ngờ cho bạn vì bé sẽ dễ dàng kiểm soát được cảm xúc của mình và thay vì cơn bão thì trẻ sẽ là một vùng “áp thấp nhiệt đới” hoặc chỉ đơn giản chịu lắng nghe bạn hơn để được điều bé muốn.
Hãy kiên nhẫn để giúp trẻ trưởng thành hơn mỗi ngày - điều mà giúp bé thành công sau này.
Các tin khác