KIẾN THỨC NUÔI DẬY CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

›› Trang chủ
›› Mang thai
›› Chăm con
›› Dạy con
›› Gia đình
›› Giảm cân

Dạy conKinh nghiệm dạy con

Hãy lưu ý đến cơn khủng hoảng của con bạn

Hãy lưu ý đến cơn khủng hoảng của con bạn

Bạn đã từng nghe qua khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ em chưa, đừng chủ quan với điều đó. Đọc câu chuyện được chia sẻ dưới đây để hiểu rõ hơn tâm lý trẻ 3 tuổi, giúp bản thân có hướng chăm sóc trẻ chu đáo hơn bạn nhé.
Khủng khoảng tuổi lên 3
Tôi trải qua ít nhất 6 tháng căng thẳng với tuổi lên 3 của cậu con trai lớn. Trước đó, tôi luôn nghĩ “khủng hoảng tuổi lên 3” là một điều hơi… vớ vẩn. 3 tuổi, có gì mà không trị được? Nhưng quả thật, cơn khủng hoảng tuổi lên 3 là có thật, và nó đến bất ngờ như một cơn lốc với mức độ “tàn phá” nặng nề không kém.

Khi con trai tôi tròn 3 tuổi, cũng là lúc tôi có bé thứ hai, đồng thời bé cũng bắt đầu đi học ở trường mầm non. Chính vì có quá nhiều thay đổi diễn ra đột ngột, nên tôi không kịp nhận ra sự biến chuyển tâm lý của bé. Tôi nghĩ rằng, sự thay đổi của con là do bé phải làm những thứ mình không thích: phải đến trường, phải tự ngủ, phải tự bước đi không còn được mẹ bế như trước (do mẹ đang có em ở trong bụng). Đang là một đứa trẻ lành tính, ngoan ngoãn, con trai tôi bỗng trở nên ương ngạnh, có biểu hiện chống đối, thậm chí hỗn với người lớn.

Tôi nhớ một lần, hai mẹ con đang nấu nướng trong bếp, tôi cảm thấy mệt và muốn con lên lầu nghỉ ngơi. Tôi đề nghị bé cùng lên nhà, thằng bé nhất quyết không chịu. Ban đầu, bé phản đối bằng lời nói: “Không, con không lên nhà đâu. Mẹ ở đây với con”. Không được thỏa mãn ý muốn, thằng bé bắt đầu khóc, vừa khóc vừa gào: “Mẹ đâu rồi, mẹ xuống đây, mẹ ở đây với con”.

Sau 30 phút con gào khóc không ngừng, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Phần vì mệt mỏi vì nghén, phần vì nhức đầu, phần vì quá thất vọng cậu con trai bỗng dưng “nổi cơn điên”, tôi đã phạt con bằng những vết roi. Thằng bé vừa khóc vừa lấy tay đỡ từng nhát quất, miệng không ngừng: “đừng mà, đừng mà mẹ”. Nhưng lúc đó, tôi như không kiểm soát nổi cơn nóng nảy trong người. Sau trận đòn, mặt con đỏ, mắt sưng húp, mông lằn những vết roi. Khi thằng bé ngủ, tôi ôm con khóc.

Đó mới chỉ là lần đầu, còn rất nhiều lần sau đó, thằng bé như trở thành một con người khác hẳn: cứng đầu khủng khiếp, nói trống không và luôn có thái độ chống đối. Ví dụ, con nhất quyết không ăn cơm nếu mẹ không làm món trứng, không đánh răng hay thay đồ mỗi sáng, không lên giường ngủ dù mẹ đã tắt hết đèn và yêu cầu con ngủ, không ngủ nếu không được nằm cạnh mẹ, sờ vào người mẹ… Khi bị bắt lên giường, thằng bé nhất quyết không nằm xuống. Nó ngồi im trong đêm, buồn ngủ thì gà gật, cho đến khi nó không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ và gục hẳn vào người mẹ.

Nhiều lần, tôi hỏi chồng: “Làm sao bây giờ”, tôi cảm thấy thật sự bế tắc. Đánh con? Không thể, vì càng đánh càng xót, và thằng bé sẽ trở nên khó bảo hơn nếu dùng đòn roi. Mắng con? Chỉ có tác dụng trong chốc lát, rồi đâu lại vào đó ngay thôi. Phạt con? Có lẽ đây là cách tốt nhất, nhưng phạt bằng cách nào? Những kiểu phạt nào hữu hiệu và khiến con quy phục?

Ngay cả bản thân trẻ cũng rất cần được giúp đỡ để trải qua những tháng ngày “khó ở” này…Chính vì thế bạn hãy là người mẹ nuôi dạy con đúng cách.

Trừng phạt khi con ương bướng
Con trai tôi rất thích xem phim hoạt hình Tom&Jerry, chơi các thể loại game xe hơi trên iPad, xem sách về xe, ngủ với mẹ, ăn cơm trứng và đi xe hơi. Tôi bắt đầu “nghiên cứu” các hình phạt có thể áp dụng cho con mình khi bé ương bướng.

Ban đầu, tôi luôn dặn mình phải kìm chế. Tôi cho đó là một cách rèn luyện cùng con: khi mình kìm chế cơn nóng giận được, thì con mới điều khiển bản thân con được. Mỗi lần bắt đầu “lên cơn điên”, tôi tránh ra một nơi riêng biệt và làm những việc linh tinh: tôi tưới cây ở góc sân, quét nhà, lau bụi ở các tủ gỗ, xếp xếp lại kệ đồ chơi của con, dọn lại tủ lạnh… , vừa làm tôi vừa suy nghĩ mình sẽ “đối xử” với thằng bé thế nào tiếp theo. Con trai tôi thấy mẹ “giận” cũng tỏ ra biết điều. Thằng bé rất tình cảm, có lần, khi tôi nói: “Mẹ buồn con rồi”, thế là cu cậu khóc như mưa. Cậu ta rất sợ mẹ buồn, mẹ giận, sợ hơn cả mẹ đánh đòn.

Tiếp đó, tôi nói chuyện với con. Tôi hỏi bé rất nhiều câu hỏi: Con đang cảm thấy thế nào? Vì sao con buồn/giận? Con không vui khi mẹ…. à? Nhưng con làm như thế đã đúng chưa? Tôi giải thích cho con hiểu, vì sao mẹ lại làm thế với con, con tỏ thái độ như thế là sai rồi, lần sau nếu không bằng lòng điều gì, con phải nói cho mẹ nghe, không nên tỏ thái độ như vậy. Con làm như vậy là không ngoan và bây giờ mẹ phải phạt con.

Trong suốt cuộc chuyện trò, tôi nhìn thẳng vào mắt con, thi thoảng hai tay đặt lên vai thằng bé, nâng cằm con để con nhìn thẳng vào mặt mẹ để con hiểu mẹ đang rất nghiêm túc.

Sau đó, tôi cho con lựa chọn hình phạt: Con có thể lựa chọn một trong nhiều cách: ngưng chơi iPad một tuần, ngưng xem Tom&Jerry một ngày, ngủ với ba, cuối tuần mới được ăn món trứng, hoặc sẽ đứng úp mặt vào tường trong 10 phút, hoặc ngồi yên ở ghế trong vòng 15 phút.

Tác dụng của hình phạt không phải là để mẹ thỏa mãn cơn giận khi con ương ngạnh, mà để con nhớ hành động, thái độ sai trái của con, và nếu con còn lặp lại, hình phạt dành cho con sẽ nặng hơn.

Một cách khác để con nghe lời người lớn mà không cần đòn roi hay những lời năn nỉ, đó là hình thức “đếm 1-2-3”. Khi muốn con dọn dẹp đồ chơi, tôi cho con khoảng 5 phút, trong suốt thời gian đó, tôi sẽ đếm lần lượt từ 1 đến 3. Nếu con dọn xong trước khi mẹ đếm đến 3, thì khen khích lệ. Nếu con dùng dằng không chịu dọn, thì con sẽ bị phạt.

Tôi rất cương quyết trong các hình phạt đối với con trai mình. Tôi luôn mong con mình sẽ mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng không hư hỗn. Mặc dù tôi thường xuyên nói yêu con, thường xuyên ôm con, thường xuyên “xin xỏ” được hôn con trai, nhưng mỗi khi mẹ lên tiếng, bé đều biết mẹ “không đùa”.

Một số biểu hiện “tuần khủng hoảng của bé” cha mẹ cần biết
Có thể, mỗi bé trải qua thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3 với những biểu hiện khác nhau, nhưng chung quy lại đều tập hợp ở những biểu hiện sau:

+ Phản ứng tiêu cực: Bé nói “không” với mọi thứ ba mẹ yêu cầu (không ăn, không uống, không ngủ, không thay đổ, không cất đồ chơi, không tắt tivi…).
+ Bướng bỉnh: Bé thích làm theo ý mình dù bé biết điều đó là không đúng, ba mẹ không thích, bản thân bé cũng không thích nhưng nhất quyết làm cho bằng được, chỉ vì tính hiếu thắng (đeo hai chiếc tất khác nhau, mặc quần áo dài khi trời nóng hoặc mặc quần áo ngắn khi ngủ phòng máy lạnh, không mang nón khi ra đường…).
+ Chống đối: Bé luôn muốn làm trái lại lời ba mẹ hoặc thích làm những điều bị ngăn cấm. Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách khóc lóc, gào thét, mè nheo… để đạt được mục đích.
+ Vô lễ với người lớn: một số bé có biểu hiện đánh, nhéo hoặc nói vô lễ với người lớn.ư
+ Hiếu thắng và ích kỷ: không chia sẻ với ai đồ chơi, muốn mọi thứ thuộc về mình…

Mặc dù được cảnh báo khủng hoảng tuổi lên 3 là hiện tượng phổ biến và có tính tạm thời, sẽ dần mất đi khi trẻ lớn, nhưng không ít cha mẹ quá lo lắng sợ con hư nên đã ứng xử không khéo léo với con, có thể gây ra chấn thương tâm lý cho bé.

Khi con rơi vào khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3, nhiều bậc cha mẹ cũng “rớt” theo con, stress, buồn bực, lo lắng… Đừng nên như vậy, không khác nào bạn đang bắt con gánh chịu một áp lực lớn trong khi con mới là người cần được giúp đỡ để cân bằng tâm lý. Tôi mong rằng, mọi trẻ em đều lớn lên trong sự thương yêu. Và bản thân tôi sau kinh nghiệm với cậu con trai lớn, cũng đã sẵn sàng chào đón cậu con trai út bước lên tuổi lên 3 với rất nhiều “cơn khùng điên” của riêng bé.

Các tin khác

Xem tất cả bài viết thuộc mục: Kinh nghiệm dạy con
Trang chủ     Giới thiệu     Chính sách bảo mật     Tuyên bố từ chối trách nhiệm

Copyright © 2016 Chametainang.com - Email: chametainang.com@gmail.com - Liên hệ QC. Mr. Hiền 0989343566
Chia sẻ kiến thức chăm sóc Mẹ & Bé - Chăm sóc nuôi dạy con phát triển toàn diện

khan qua tang | khan khach san | khan spa | https://www.youtube.com/@scalpgoldwin1982