Các dạy trẻ biết nghe lời mà không cần đến đòn roi
Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan ngoãn biết nghe lời nhưng nếu không biết cách giáo dục mà chỉ đòn roi thì chưa chắc trẻ sẽ ngoan ngoãn nghe lời đâu.
Hãy xem qua một số cách giáo dục trẻ nghe lời mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng dạy bé yêu của mình nhé.
Dạy con biết vâng lời không phải là điều dễ dàng, nhưng với một chút kiên nhẫn và sự nỗ lực là cha mẹ có thể dạy con trẻ điều này. Sau đây là 7 cách hay dành cho các ông bố bà mẹ.
Hãy nhất quán trong việc giáo dục trẻ
Muốn dạy con biết vâng lời, cha mẹ cần phải thể hiện được sự nhất quán. Hôm nay, bạn nhắc trẻ không được chạy chơi dưới lòng đường thì những tuần sau đó yêu cầu này vẫn phải được tiếp tục thực hiện cho đến khi bé quen. Với những yêu cầu khác, bạn cũng phải thực hiện điều tương tự. Sự nhất quán của bố mẹ sẽ dạy con biết vâng lời.
Hãy nhẹ nhàng với trẻ
Trẻ em không thể tiếp thu khi bố mẹ tức giận. Khi giải quyết một vấn đề gì đó với con, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Điều tốt nhất bạn cần phải làm là nhẹ nhàng với bé. Hiểu được cảm nhận của bé là điều quan trọng để bố mẹ thông cảm cho hành động của con. Bằng sự cảm thông của bố mẹ, việc dạy con biết vâng lời không quá khó.
Ví dụ sống
Theo cuộc nghiên cứu của ToddlerABC, trẻ em học tập từ những người xung quanh bé. Các bé quan sát và bắt chước hành vi, thái độ của những người xung quanh. Vì vậy, ví dụ sống là cách tốt nhất dạy bé biết vâng lời. Hãy trở thành tấm gương sáng để con trẻ học theo.
Hiểu rõ hậu quả khi không vâng lời
Trước khi áp dụng một quy định nào đó, hãy nói chuyện với bé về việc bé sẽ bị phạt thế nào khi vi phạm. Sau khi bé đã được thông báo, bạn mới thực hiện. Khi bé vi phạm nguyên tắc, bạn sẽ buộc phải áp dụng hình thức phạt theo quy định. Bạn có thể mềm lòng khi bé tỏ ra hối lỗi hay khóc lóc, nhưng hãy kiên định và áp dụng hình phạt. Hãy nhớ rằng, hình phạt là cách để bố mẹ dạy con rằng, khi con làm điều gì đó sai sẽ có một cái giá phải trả.
Khuyến khích con
Một cách rất tuyệt vời để dạy con biết vâng lời chính là sự động viên, khuyến khích của bố mẹ. Khi con bạn tuân thủ tốt các quy định đã đặt ra, hãy khen ngợi bé. Hãy nói với bé, bạn tự hào và hạnh phúc thế nào khi bé hoàn thành tốt. Trẻ em giống như những cái cây, khi được nuôi dưỡng và chăm sóc, bé sẽ phát triển tốt.
Giải thích rõ những yêu cầu của bạn với con
Không ai thích bị bắt buộc phải làm điều gì đó mà không được giải thích tại sao. Bạn không bao giờ được nói với con “con phải làm việc này vì bố/ mẹ bảo như vậy”. Thay vào đó, hãy giải thích lý do. Để dạy con biết vâng lời, hãy cho trẻ biết mục đích đằng sau mệnh lệnh đó. Bé sẽ thực hiện yêu cầu, nếu bé biết tại sao bạn muốn bé làm vậy.
Thưởng cho bé
Tất cả chúng ta đều sẽ làm tốt hơn nếu có một chút khích lệ. Một trong những cách tuyệt vời dạy con biết vâng lời là dành cho bé những phần thưởng khi bé đã làm tốt. Một viên kẹo, một món đồ chơi mới sẽ làm nên điều kỳ diệu trong việc dạy con biết vâng lời, đặc biệt với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không nên áp dụng nó thường xuyên, bạn muốn trẻ biết vâng lời vì đó là việc đúng đắn chứ không phải là sự thết đãi.
Tuyệt đối không dùng roi vọt với trẻ trong việc giáo dục trẻ
Trong thời đại thông tin đại chúng bùng nổ, kiến thức “trăm thứ bà rằn” giống như nồi lẩu thập cẩm đa sắc, đa mùi, nếu không biết chọn lọc, giống như lạc vào mê trận, khó mà phân biệt đúng sai. Khi trẻ tiếp xúc với văn hóa lành mạnh, được định hướng, sẽ trở nên năng động, thông minh, biết ứng biến linh hoạt với mọi thử thách, ngược lại trẻ la cà với game bạo lực, web đen sẽ trở nên hung hăng, bỏ bê học hành, đua đòi thói hư tật xấu, thậm chí phạm tội…
Trẻ ngoan hay hư, người ta không đánh giá về ý thức của trẻ, mà đòi hỏi trách nhiệm của người lớn. Vì lẽ đó, dạy trẻ ngoan ngoãn, sống có nguyên tắc, trách nhiệm là việc người lớn phải làm, ngay từ khi trẻ mới chập chững biết nói, bi bô những tiếng đầu đời. Dạy trẻ “thành người” giống như kiên trì theo đuổi một môn nghệ thuật phức tạp vậy…
Các bố mẹ hãy tưởng tượng mình là một chiếc gương cho trẻ soi vào mọi lúc, mọi nơi, gương có sáng mới đáng để trẻ soi vào, học tập, làm theo. “8 không” sau đây, giống như bí quyết dạy trẻ biết vâng lời:
- Không bao bọc trẻ quá mức: Dù trẻ còn nhỏ, cũng nên tạo cho trẻ sớm biết tự lập, không quá xót xa trẻ mà bao bọc quá mức, ví dụ khi trẻ ngã thay vì lao ngay đến bế, xuýt xoa thương hại, hãy động viên trẻ đứng dậy, lý giải cho trẻ hiểu tại sao trẻ ngã, lần sau trẻ có thể tránh được bị ngã, hoặc có ngã trẻ cũng không khóc.
- Không nói suông: Bạn bắt trẻ đi ngủ sớm, ngừng xem ti vi, trong khi bạn bật điện, chuyển kênh xem hết chương trình này đến chương trình khác, hình ảnh này của bạn không khiến trẻ phục tí nào.
- Không phá vỡ lời hứa: Nếu bạn hứa cuối tuần cho trẻ đi công viên, hoặc mua sắm, hãy biết cách thu xếp mọi công việc cũng như lịch hẹn để thực hiện lời hứa. Nếu có những việc quan trọng đột xuất, không thể dời lại để bạn thực hiện lời hứa với trẻ thì hãy xin lỗi trẻ và cam kết thực hiện vào một lần khác.
- Không cự tuyệt trẻ: Dù bạn mệt mỏi đến thế nào cũng hãy dành chút thời gian cho trẻ, khi trẻ muốn bạn chia sẻ điều gì đó, hãy kiên nhẫn với trẻ. Trẻ sẽ không hiểu lý do của người lớn, nếu bạn luôn từ chối trẻ, bé sẽ sốc và dễ rơi vào trạng thái cô độc.
- Không can thiệp vào cuộc chơi của trẻ: Nếu trẻ không yêu cầu, bạn nên đứng ngoài quan sát cuộc chơi của trẻ, không bênh vực, không can thiệp, chỉ đứng ra làm trọng tài khách quan khi cần thiết để trẻ tiếp tục có cuộc vui chơi thú vị.
- Không chỉ luôn nói “không”: Nói “không”, cấm đoán trẻ mà không giải thích một cách thuyết phục, trẻ sẽ không vâng lời, hoặc nếu có trẻ cũng chỉ dùng thái độ chống đối.
- Không dùng roi vọt: Vạn bất đắc dĩ mới nên dùng đến roi vọt để giáo dục trẻ, ưu tiên giáo dục bằng lời nói, hành động. Nếu bạn luôn “xử lý” trẻ bằng roi vọt, sẽ tạo cho trẻ tính hung hăng, thích bắt nạt.
- Không bỏ qua ý nguyện của trẻ: Hãy tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư trẻ, để thiết lập tình cảm, sự tôn trọng, tình yêu thương giữa cha mẹ con cái.
Các tin khác