KIẾN THỨC NUÔI DẬY CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

›› Trang chủ
›› Mang thai
›› Chăm con
›› Dạy con
›› Gia đình
›› Giảm cân

Dạy conDạy con nên người

Những kỹ năng mềm giúp con thành công sau này

Những kỹ năng mềm giúp con thành công sau này

Để chuẩn bị cho một tương lai khó đoán và thay đổi không ngừng, toán hay tiếng Anh không phải là những môn học quan trọng nhất với trẻ mà 7 kĩ năng mềm dưới đây mới là cần thiết nhất.
Có một thực trạng dễ nhận thấy là bố mẹ ngày nay thường đầu tư cho con học toán, học tiếng Anh từ sớm, mong muốn con sẽ vào được lớp chọn, trường điểm để tương lai con sẽ đỗ vào đại học danh tiếng, sẽ kiếm được công việc tốt, lương cao. Tuy nhiên, xu hướng tuyển dụng của các công ty trên thế giới ngày càng thay đổi. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo dục có thể được coi là hộ chiếu cho tương lai, nhưng trường học dường như đang không truyền đạt được một số kỹ năng sống quan trọng nhất cho trẻ.

Hiện nay, các nhà tuyển dụng đã không còn quá chú trọng vào tấm bằng loại khá, loại giỏi nữa, thay vào đó họ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn các "kĩ năng mềm" như khả năng giao tiếp, khả năng làm việc theo nhóm, hay sự năng động của bản thân.

Mới đây, một đoạn video được đăng tải bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới đã chỉ ra 7 kỹ năng bắt buộc cần phải có mà mọi đứa trẻ nên được học để có thể tồn tại được trong môi trường làm việc của tương lai. Đây là 7 kĩ năng được Tiến sĩ Tony Wagner – đồng giám đốc của Change Leadership Group của Đại học Harvard đưa ra.

Kĩ năng mềm cần dạy trẻ để không thất bại trong công việc sau này
Tiến sĩ Tony Wagner lập luận rằng, học sinh ngày nay đang phải đối mặt với một “khoảng cách thành tựu toàn cầu”. Nó chính là khoảng cách giữa những gì mà kể cả các trường học tốt nhất đang dạy và những kỹ năng mà người trẻ cần học. Điều này đang trở nên trầm trọng hơn do 2 xu hướng: thứ nhất, sự chuyển đổi toàn cầu từ một nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức; thứ hai, cách mà trẻ em ngày nay lớn lên cùng với Internet được khuyến khích học tập.

Không chỉ ở trường mà ngay từ nhỏ, bố mẹ đã nên định hướng và giúp con phát triển tốt các kĩ năng mềm này.

1. Tư duy phê phán và kỹ năng giải quyết vấn đề
Các công ty cần phải liên tục cải tiến sản phẩm, các quy trình và các dịch vụ để cạnh tranh. Để làm được điều này, họ cần nhân viên của mình có kỹ năng tư duy phê phán và có khả năng đặt ra những câu hỏi đúng để đi đến tận cùng của một vấn đề.

Nếu để ý, bạn có thể thấy ở một giai đoạn phát triển của trẻ (tầm 4 - 5 tuổi), trẻ con rất thích đặt câu hỏi. Tuy nhiên, thay vì khuyến khích con phát triển tư duy phê phán thông qua cách nhìn nhận sự vật, sự việc xung quanh, không ít cha mẹ phát cáu mỗi khi con hỏi. Đây là kĩ năng rất cần thiết trong công việc sau này mà trẻ cần được dạy từ sớm. Bố mẹ nên dạy con cách đặt câu hỏi và tự tư duy.

2. Khả năng hợp tác và lãnh đạo bằng sức ảnh hưởng
Vì bản chất kết nối của giới kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, khả năng gây ảnh hưởng và khả năng làm việc nhóm ngày càng trở nên quan trọng. Và chìa khóa để trở thành một người lãnh đạo hiệu quả là gì? Tác giả Wagner cho rằng nó có liên quan rất nhiều tới “kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và một khuôn khổ đạo đức rõ ràng”.

Trẻ nhỏ cần được dạy các kĩ năng hợp tác với bạn bè, với một nhóm để cùng nhau làm việc, chia sẻ thay vì sai khiến và yêu cầu người khác làm theo ý mình.

3. Sự nhạy bén và khả năng thích ứng
Khả năng thích ứng và học những kỹ năng mới một cách nhanh chóng là yếu tố quan trọng để thành công: người lao động cần phải có khả năng sử dụng một loạt công cụ để giải quyết vấn đề. Nó còn được gọi là “khả năng học tập”, một kĩ năng mà các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở các ứng cử viên.

Thích nghi là một kỹ năng sống quan trọng vì đó là khả năng để có thể hòa nhập hoặc phản ứng lại với môi trường bên ngoài. Đứa trẻ nếu có kỹ năng giao tiếp tốt có thể đạt được những thành công với những người xung quanh. Nhưng nếu thiếu kỹ năng thích nghi trong việc tham gia vào các hoạt động cùng với họ, thì cũng khó mà đạt được những kết quả tốt cho cuộc sống của mình. Nhất là trong xã hội biến chuyển không ngừng ngày nay, thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, điều kiện làm việc, học tập... là kĩ năng vô cùng cần thiết với mọi đứa trẻ.

4. Sáng tạo và dám mạo hiểm
Thử sức không gây tổn hại gì cả, và thông thường các cá nhân hay doanh nghiệp thường phải đối mặt với xu hướng e ngại rủi ro. Sẽ tốt hơn nếu thử 10 việc và thành công 8 việc còn hơn là chỉ thử 5 việc và chẳng thành công gì cả.

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên, thay vì cấm đoán con thử sức với những tình huống mạo hiểm vì lo sợ sự an toàn cho trẻ, bố mẹ nên cho con cơ hội thử nghiệm, sáng tạo để biết được các giới hạn và phát huy sức sáng tạo, khả năng của bản thân. Trẻ cần được gợi cảm hứng để trở thành người sáng tạo và đổi mới.

5. Biết giao tiếp tốt bằng cả bằng lời nói lẫn ngôn từ viết
Tư duy mơ hồ và không có khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình là những lời than phiền chung từ các lãnh đạo doanh nghiệp khi Wagner tìm kiếm thông tin cho cuốn sách của mình. Đây không phải là vấn đề về việc sử dụng ngữ pháp, dấu câu hay phát âm không chuẩn mực, mà là về khả năng giao tiếp một cách rõ ràng và mạch lạc khi nói, thuyết trình hay khi viết. “Nếu bạn có ý tưởng tuyệt vời nhưng bạn không thể diễn đạt được chúng thì bạn sẽ thua” – Wagner nói.

Với trẻ nhỏ, trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, việc dạy trẻ kĩ năng viết tốt chưa thực sự được chú trọng. Còn về khả năng giao tiếp bằng lời nói, xây dựng những bài thuyết trình về một chủ đề yêu thích sẽ là cách tuyệt vời để nâng cao khả năng giao tiếp, tư duy biện luận cho trẻ.

6. Biết cách tiếp cận và phân tích thông tin
Nhiều người lao động phải giải quyết với một lượng lớn thông tin mỗi ngày. Khả năng chọn lọc và lấy ra những thứ mình cần là một thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin có thể thay đổi với tốc độ chóng mặt như thế nào.
Kỹ năng mềm để trẻ thành công sau này
Ngay từ bé, cùng con lựa chọn những cuốn sách bổ ích, phù hợp, chọn lọc nguồn thông tin trên mạng để phục vụ tốt cho nhu cầu của bản thân như giải trí/ kiến thức khoa học/ môi trường... là bố mẹ đang hướng dẫn con cách tiếp cận, phân tích thông tin.

7. Có óc tò mò và trí tưởng tượng
Tò mò và tưởng tượng là những thứ có thể thúc đẩy sự đổi mới và cũng là những yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề. “Tất cả chúng ta sinh ra đã tò mò, sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. Một đứa trẻ 4 tuổi bình thường sẽ hỏi hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Nhưng khi đứa bé đó 10 tuổi, nó sẽ có xu hướng lo việc tìm ra câu trả lời đúng ở lớp thay vì đặt ra những câu hỏi hay. Việc mà chúng ta – những phụ huynh và giáo viên – cần làm là giữ cho trẻ luôn tò mò và tưởng tượng, những khả năng bẩm sinh của chúng”, Wagner nhấn mạnh.

Các tin khác

Xem tất cả bài viết thuộc mục: Dạy con nên người
Trang chủ     Giới thiệu     Chính sách bảo mật     Tuyên bố từ chối trách nhiệm

Copyright © 2016 Chametainang.com - Email: chametainang.com@gmail.com - Liên hệ QC. Mr. Hiền 0989343566
Chia sẻ kiến thức chăm sóc Mẹ & Bé - Chăm sóc nuôi dạy con phát triển toàn diện

khan qua tang | khan khach san | khan spa | https://www.youtube.com/@scalpgoldwin1982