Tại sao kỷ luật lại tốt cho trẻ
Kỷ luật trẻ thích hợp dẫn đến sự năng động, tự chủ và ổn định cảm xúc cho trẻ trong tương lai.
Không có cha mẹ nào vui vẻ khi phải kỷ luật con. Quá trình này thường chứa đầy sự tức giận, buồn bã, căng thẳng và những giọt nước mắt. Nhưng kỷ luật là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của con. Những cuộc đối đầu gay go cuối cùng sẽ giúp cho cuộc sống của bạn và đặc biệt con dễ dàng hơn.
Nguồn gốc tiếng Latinh của từ kỷ luật là "dạy dỗ", nghĩa là xử lý tình huống trong thời điểm hiện tại và dạy các kỹ năng cho tương lai, bằng cách giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm của chúng.
Kỷ luật khác hoàn toàn với trừng phạt - hành vi nảy sinh sau khi trẻ đã gây ra hậu quả, với mục đích cố gắng thay đổi hành vi trong tương lai của trẻ bằng cách khiến chúng "trả giá cho những sai lầm của mình".
Tóm lại, kỷ luật là dạy trẻ hệ thống các giá trị để dẫn dắt trẻ đi đúng hướng cuộc sống. Hệ thống này có thể mang lại một cuộc sống tình cảm lành mạnh hơn, thúc đẩy sự năng động, tự chủ, có nhân cách và khả năng đưa ra các quyết định.
"Trẻ em giống như những bình đầy khí và không có phanh vì không nghĩ đến hậu quả", tiến sĩ Allan Beane, chuyên gia về hành vi trẻ em người Mỹ, cho biết. Vì thế nên phải có hệ thống kỷ luật trẻ.
Giúp trẻ kiểm soát sự lo lắng
Trẻ em không muốn chịu trách nhiệm. Chúng thường kiểm tra các giới hạn chỉ để đảm bảo cha mẹ có mang đến an toàn cho mình. Khi người lớn đưa ra những hậu quả tích cực và tiêu cực, trẻ em sẽ phát triển và học hỏi. Những đứa trẻ có cha mẹ quá dễ dãi thường cảm thấy lo lắng vì chúng phải thay người lớn đưa ra quyết định.
Khuyến khích các lựa chọn tốt
Kỷ luật phù hợp dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt. Ví dụ, khi nói cho đứa trẻ biết tại sao không được đi sai làn đường, chúng sẽ học cách đưa ra những lựa chọn an toàn hơn vào lần sau. Kỷ luật lành mạnh dạy trẻ có nhiều cách để đáp ứng nhu cầu của chúng. Trẻ em cần học các kỹ năng giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc và kỹ năng tự điều chỉnh từ chính những bài học hằng ngày.
Điều quan trọng là phải phân biệt sự khác nhau giữa hậu quả và hình phạt. Khi những đứa trẻ có kỷ luật với những hậu quả thích đáng, chúng sẽ học được từ những sai lầm của mình.
Hình phạt lại có xu hướng giúp trẻ học cách để "lách luật" khi có hành vi sai.
Dạy trẻ quản lý cảm xúc
Khi đứa trẻ được một khoảng thời gian dừng sau khi gây ra việc sai trái, ví dụ đánh anh trai, nó sẽ học được kỹ năng giúp kiểm soát cơn giận của mình tốt hơn trong tương lai. Mục tiêu của thời gian chờ phải là dạy con bạn tránh xa tình huống chúng đang khó chịu trước khi gây rắc rối hơn và để chúng bình tĩnh, nhìn nhận lại sự việc.
Song song, các chiến lược khác như khen ngợi hoặc bỏ qua lỗi nhỏ, cũng có thể dạy trẻ cách đối phó với cảm xúc. Khi bạn nói "Con đang làm việc rất chăm chỉ để xây dựng tòa tháp đó mặc dù nó thực sự rất khó làm. Hãy tiếp tục cố gắng", con sẽ học được tầm quan trọng của quá trình nỗ lực.
Kỷ luật giữ an toàn cho trẻ
Mục tiêu cuối cùng của kỷ luật phải là giữ cho trẻ em được an toàn, ví dụ đi lại trên đường. Kỷ luật cũng nên giải quyết các nguy cơ sức khỏe, chẳng hạn như ngăn ngừa béo phì. Nếu bạn để con ăn bất cứ thứ gì chúng muốn, có thể gặp phải những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải đặt ra các giới hạn lành mạnh và dạy dỗ để con có lựa chọn lành mạnh.
Giải thích lý do cơ bản của các quy tắc để con hiểu các vấn đề an toàn. Thay vì nói: "Đừng nhảy nữa", khi con đang nhảy trên giường, hãy cho chúng biết lý do tại sao đó là vấn đề. "Con có thể bị ngã đập đầu" hay "Con đang gây ồn cho nhà tầng dưới lúc giữa đêm"... Khi trẻ biết lý do tại sao có quy tắc này và hiểu những rủi ro cụ thể, chúng sẽ cân nhắc những rủi ro an toàn hơn khi bạn không có mặt ở đó để bảo vệ chúng.
Tạp chí Sức khỏe Nhi khoa đưa ra 5 tiêu chí kỷ luật để giúp con bạn trở thành một thiếu niên và người lớn tốt hơn vào ngày mai, đó là: Do một người lớn đưa ra với một giao kèo có hiệu quả với đứa trẻ; nhất quán, sát với hành vi cần thay đổi; nược đứa trẻ coi là "công bằng"; thích hợp về mặt phát triển và tính cách từng trẻ; tự cường - cuối cùng dẫn đến kỷ luật bản thân.
"Điều thực sự quan trọng là bạn phải nhìn thấy con mình tử tế và khen thưởng chúng cũng như thừa nhận hành vi tốt của chúng. Việc này gia cố mạnh mẽ hơn hình phạt thông thường nhiều lần", Beane nói thêm.
Các tin khác