Cách xây dựng trí não cho con thông minh
Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, chơi và nói chuyện cùng con, chọn đồ chơi phù hợp với sự phát triển… giúp trẻ có thể phát triển hết tiềm năng.
Tất cả trẻ sơ sinh đều có tiềm năng bởi vì trí thông minh có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau. Nhà tâm lý học nổi tiếng Howard Gardner đưa ra giả thuyết có 9 trí thông minh bao gồm: logic - toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, nội tâm, vận động, thiên nhiên, xã hội, triết học.
Gardner cho rằng hầu hết mọi người đều có một trí thông minh vượt trội, tác động đáng kể đến cách họ tương tác với người khác và thế giới xung quanh. Mỗi cá thể có phương pháp học khác nhau và xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Do đó, mọi đứa trẻ đều thông minh theo cách riêng, cha mẹ cần xác định, nuôi dưỡng dựa trên trí thông minh của chúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy những năm đầu đời của trẻ có vai trò then chốt trong việc xác định cách bộ não phát triển.
Theo tiến sĩ Ronald F. Ferguson của Đại học Harvard và Tatsha Robertson, tác giả của cuốn sách The Formula: Unlocking the Secrets to Raising Highly Successful Children (Công thức: Mở khóa bí quyết nuôi dạy con thành đạt), những phương pháp nuôi dạy con cái có ảnh hưởng bao gồm: khuyến khích sự độc lập của trẻ nhưng can thiệp khi cần thiết; giới thiệu những ý tưởng và khả năng mới cho một đứa trẻ, dạy chúng kiên trì trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề; đưa ra các lựa chọn nuôi dạy con chiến lược dựa trên nhu cầu riêng của chúng.
Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của trẻ với từng mốc phát triển tại một thời điểm nhất định, bao gồm: di truyền học, giới tính, dinh dưỡng, sức khỏe tổng thể, tuổi hiệu chỉnh. Mỗi đứa trẻ có thể phát triển trong một số lĩnh vực nhanh hơn hoặc chậm hơn những lĩnh vực khác. Dưới đây là những cách phụ huynh có thể hỗ trợ con phát triển trí não theo khả năng của chúng.
Chăm sóc bản thân khi mang thai
Sự phát triển não bộ của trẻ bắt đầu khi chúng còn trong bụng mẹ. Dinh dưỡng hợp lý; tránh hút thuốc, uống rượu, ma túy có thể giúp con phát huy hết tiềm năng. Người mẹ chăm sóc sức khỏe thường xuyên trong thời kỳ mang thai có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng, sinh non hoặc thiếu tháng có thể ảnh hưởng đến não bé.
Đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ
Hệ thống kim tự tháp phân cấp nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow cho rằng, 5 loại nhu cầu của con người quyết định hành vi của một cá nhân. Những nhu cầu đó bao gồm: sinh lý, an toàn, yêu thương, lòng tự trọng, tự hiện thực hóa. Trong đó, dưới đáy kim tự tháp là nhu cầu sinh lý cơ bản như: thức ăn, nước uống, nơi ở. Trên đỉnh của kim tự tháp là nhu cầu tự hiện thực hóa.
Điều này cũng được áp dụng khi nuôi dạy con. Để đạt sự phát triển tối ưu, trẻ cần được ăn uống, ngủ nghỉ, yêu thương. Chúng sẽ không phát huy hết khả năng của mình cho đến khi những nhu cầu cơ bản này được đáp ứng. Vì vậy, cho ăn hoặc ngủ là thời gian thích hợp cha mẹ dành cho con.
Chơi cùng con
Dành thời gian chơi với trẻ có thể giúp xây dựng tình cảm giữa cha mẹ và con, tạo nền tảng cho các mối quan hệ khác. Đây cũng là cách để con thực hành các kỹ năng xã hội - tình cảm, giao tiếp và nhận thức quan trọng. Cha mẹ không nên bỏ qua điều này ngay cả với trẻ sơ sinh.
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất quan trọng vì nó củng cố ký ức, giúp chúng ta tích hợp kinh nghiệm và thu thập thêm kiến thức. Giấc ngủ đặc biệt cần thiết đối với trẻ sơ sinh vì não của chúng liên tục phát triển và xử lý thông tin.
Cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết
Điều cần thiết cho sự phát triển trí não tối ưu của trẻ là nhu cầu dinh dưỡng thích hợp. Trong năm đầu đời, phần lớn nguồn dưỡng chất đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cha mẹ cần đảm bảo cho con bú hoặc uống sữa thường xuyên và đủ. Khi trẻ chuyển sang ăn đặc, cần đảm bảo các thực phẩm có đủ màu sắc với nhiều nhóm thức ăn khác nhau.
Đọc sách cùng con
Cha mẹ có thể đọc sách cho con nghe ngay cả khi chúng còn trong bụng. Điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nhưng sẽ giúp thiết lập một mô hình đọc cùng nhau có thể mang lại lợi ích khi trẻ lớn hơn.
Sách tạo cơ hội học ngôn ngữ, gắn kết với những người chăm sóc, tiếp xúc với tri thức. Cha mẹ cần lưu ý rằng sự tương tác giữa bạn và con là một phần quan trọng trong giáo dục. Kết hợp sách với những lời âu yếm, bài hát để giúp trẻ phát triển trí não.
Nói chuyện với con
Số lượng từ mà cha mẹ cho con tiếp xúc sẽ ảnh hưởng đến vốn từ vựng của chúng. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc nói chuyện thường xuyên với con cũng có thể tăng khả năng phi ngôn ngữ như suy luận và hiểu các con số của trẻ.
Thường xuyên trò chuyện tích cực với con sẽ giúp chúng cải thiện khả năng phát triển tổng thể, trong đó có hành vi ứng xử tốt hơn, ít lo lắng hơn, tự tin hơn. Ngoài ra, âm nhạc cũng là một hình thức ngôn ngữ khác, liên quan đến sự phát triển não bộ.
Chọn đồ chơi phù hợp
Đồ chơi có thể giúp trẻ thành thạo các kỹ năng mới. Bằng cách chọn đồ chơi phù hợp với sự phát triển, cha mẹ có thể tạo cho con một thử thách hợp lý. Nắm vững các cách chơi đồ chơi khác nhau có thể giúp trẻ tự tin, tăng cường nhận thức về không gian, phát triển năng lực hiểu biết. Tuy nhiên, người lớn không nên mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ nếu những đồ chơi có sẵn khuyến khích sự học hỏi và phát triển.
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
Nhiều nghiên cứu chứng minh việc sử dụng thiết bị điện tử tác động tiêu cực đến sự phát triển não bộ của trẻ. Trẻ 2-5 tuổi chỉ nên xem điện thoại, tivi tối đa một tiếng mỗi ngày, có sự giám sát của người lớn để giúp con kết nối với thế giới thực, hiểu những gì chúng đang xem.
Tập thể dục đều đặn
Vận động rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Tập thể dục giúp giải phóng endorphin, có thể chống lại cảm giác lo lắng và trầm cảm. Nó cũng có thể xây dựng sự tự tin, nâng cao lòng tự trọng và xây dựng các kỹ năng nhận thức.
Giúp trẻ khám phá
Trong những năm đầu đời, trẻ cần dành nhiều thời gian để rèn luyện các kỹ năng vận động thô (sử dụng những nhóm cơ lớn ở tay, chân và thân mình) và vận động tinh (sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay để thực hiện các động tác khó). Để phát triển những kỹ năng này, trẻ cần có cơ hội chạm vào, di chuyển và khám phá những thứ xung quanh.
Ngay cả khi con lớn hơn vẫn có thể học được nhiều từ vựng và kiến thức từ đời sống. Cung cấp cho trẻ những ví dụ thực tiễn, bối cảnh cụ thể giúp con nhận biết thông tin và tích lũy kinh nghiệm.
Các tin khác