Sai lầm trong bữa ăn hiện đại của người Việt
Bữa cơm gia đình của người Việt hiện đang được tổ chức như thế nào? Có bao nhiêu gia đình thường xuyên có đầy đủ các thành viên quây quần trong bữa cơm nhà? …Nhiều cuộc khảo sát đã được thực hiện để tìm hiểu bức tranh về bữa cơm gia đình Việt thời hiện đại.
Gia đình bốn người chỉ ăn hết 3kg gạo/tháng
Gia đình Việt Nam đang chuyển từ truyền thống sang hiện đại với những tác động của kinh tế thị trường đặt ra không ít thách thức trong việc duy trì và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của bữa cơm gia đình người Việt.
Kết quả khảo sát về bữa cơm gia đình trong bối cảnh xã hội đô thị biến đổi hiện nay của nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho thấy, sự tham gia của cả gia đình cùng nhau dùng bữa cơm chiếm tỉ lệ khá thấp (16%).
Dẫn lại những câu chuyện trong quá trình khảo sát, nghe có vẻ lạ nhưng lại thường gặp trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay: Một gia đình có tới bốn thành viên, nhưng phải ăn ba tháng mới hết 10kg gạo, vì hai con nhỏ học bán trú, ăn hai bữa chính ở trường, cả nhà không cùng ăn sáng, ăn trưa, thậm chí rất ít khi cả nhà có mặt đầy đủ các thành viên để dùng bữa cơm tối. Hay chuyện con nhỏ đi học cả ngày ở trường, người lớn đi làm tối trễ mới về, chiều đói thì mạnh ai nấy ăn, muốn ăn gì tùy thích, nấu cơm nước chỉ mệt thêm…
Nhóm chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng, sự chuyển đổi xã hội đang làm biến đổi bữa cơm gia đình truyền thống người Việt. Những thay đổi giữa khuôn mẫu truyền thống và hiện đại trong việc tổ chức, sắp xếp đời sống gia đình tất yếu dẫn đến sự biến đổi của cấu trúc bữa cơm gia đình.
Khó có nhiều gia đình còn giữ được như xưa nét văn hóa sum họp, quây quần cùng nhau đầy đủ các thành viên trong mỗi bữa cơm.
Khảo sát thực trạng bữa cơm gia đình thông qua mức độ tổ chức nấu bữa, từ thời gian cho đến đối tượng, số lượng thành viên tham gia nấu và dùng bữa…, nhóm nghiên cứu nhận định, sự phát triển nhanh của dịch vụ ăn uống là một trong những nhân tố làm giảm vị trí và tần suất tổ chức các bữa cơm trong gia đình người Việt.
Cụ thể, số gia đình nấu cơm hầu hết các buổi trong tuần chiếm 66,7%, thường xuyên hơn bảy bữa có 13,3%, khoảng bốn đến bảy bữa chiếm 9,2%, từ ba bữa trở xuống chiếm 10% và 0,8% các gia đình không tổ chức nấu cơm tại nhà. Điều đáng nói, đối với những gia đình duy trì được bữa cơm truyền thống thì lại thiếu đi sự “no nê tình người”.
Vì mỗi người đều có những bận rộn riêng làm cho sinh hoạt của gia đình bị thụ động, không còn thoải mái và đánh mất bầu không khí trò chuyện thân tình, đầm ấm. Các thông tin trong gia đình không được chuyển tải cho nhau, sự gắn kết giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, những chia sẻ gần như không còn.
Quan niệm “bữa ăn” là “bữa cơm”
Về cơ cấu bữa ăn, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia về khẩu phần ăn của người Việt, hiện trung bình mỗi người Việt chỉ sử dụng 200g rau xanh/người/ngày, chỉ tương đương một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đáng chú ý, mức tiêu thụ rau như thế này không tăng trong 30 năm qua, từ năm 1985, khi người Việt đang rất thiếu thực phẩm, kể cả rau.
Trong khi ăn ít rau xanh, loại thực phẩm cung cấp nguồn chất xơ và vitamin rất quan trọng, thì bữa ăn người Việt đang rất nhiều đường, tinh bột và là nguồn cơn của chứng rối loạn chuyển hóa, của nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh đái tháo đường mà tốc độ gia tăng ở VN vào loại nhanh nhất thế giới.
Một thói quen lâu đời của người Việt là coi bữa ăn là bữa cơm, trước thiếu gạo thì ăn khoai, củ, sau đủ thì ăn nhiều cơm đến no, nay có thêm rất nhiều loại thực phẩm chế biến như mì ăn liền, bánh mì trắng. Tất cả đều là tinh bột.
Từ năm 2011, trên tháp dinh dưỡng của người Nhật bát cơm trắng đã được đưa lên nhóm cần hạn chế như muối và dầu mỡ, nhưng Việt Nam vẫn ăn nhiều cơm, bánh mì trắng, mì ăn liền.
Nên ăn giảm cơm, gạo không nên xay quá trắng. Ngoài tinh bột từ cơm thì các tinh bột từ mì ăn liền, bánh mì trắng, bánh ngọt... đã tăng gấp đôi sau 10 năm, từ 16g/người/ngày lên trên 33g/người/ngày.
Thích mặn, thích ngọt
Thói quen có hại nữa mà người Việt hay mắc là ăn mặn. Người Việt đang ăn lượng muối gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Sau năm năm, lượng nước ngọt có gas sử dụng ở Việt Nam đã tăng gấp đôi, tính ra tiền thì người Việt đã tiêu hàng ngàn tỉ đồng cho nước ngọt có gas. Một lon nước ngọt có gas sinh đến 138,6kcl năng lượng và chứa đến 36,3gr đường.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn tối đa 350gr đường/tháng, đó là số đường có trong cả bánh kẹo, nước ngọt, bánh ngọt, giờ thì uống một lon nước ngọt đã dùng đến 1/10 lượng đường tối đa dùng cho cả tháng.
Thứ nữa về năng lượng, để tiêu hao hết 100kcl tương đương 45 phút đi bộ. Tức là uống mỗi lon nước ấy thì phải đi bộ hơn một giờ mới hết. Nếu không sử dụng hết năng lượng thì cơ thể “cất” đi, dễ nhất là cất vào mỡ ở vòng eo. Trong nước ngọt có gas, ngoài tác hại của phần ngọt còn có tác hại của phần gas, đó là nguy cơ gây mất canxi, trong khi bữa ăn người Việt vốn thiếu canxi (chỉ đạt 49-60% nhu cầu).
Trẻ em Việt Nam có thói quen uống rất nhiều nước ngọt, sữa cũng ngọt, mà không dùng nước lọc. Với trẻ em, nên giảm các đồ ăn vặt như nước ngọt, bim bim (snack). Người Anh từng có câu “snack đã dìm nước Anh trong bể dầu ăn”.
Thói quen ăn uống có hại và cơ cấu bữa ăn không hợp lý dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, như chiều cao người Việt hiện đang thấp nhất Đông Nam Á. Nếu so về chiều cao trung bình của nam thanh niên, nam thanh niên Việt đang thấp hơn Hàn Quốc 10cm, thấp hơn Nhật Bản 8cm. Nếu so sánh về số lượng trẻ em thấp còi, thì 90 triệu người Việt có 3 triệu em dưới 5 tuổi thấp còi và Việt Nam là quốc gia có số trẻ thấp còi cao nhất khu vực.
Một hệ lụy nữa cũng đáng lo là các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, cao huyết áp ở Việt Nam đều tăng gấp đôi sau 10 năm, căn nguyên là tình trạng thừa năng lượng, thừa muối, thừa đường mà người Việt đã ăn vào. Cũng trong 10 năm, số lượng trẻ thừa cân béo phì đã tăng chín lần. Riêng TP.HCM, cứ mười trẻ em thì có hơn một trẻ thừa cân béo phì. Đây là hệ quả của cả nước ngọt có gas, chế độ ăn nhiều đường và tinh bột, thức ăn nhanh, thiếu thời gian và không gian cho vận động.
Thêm một quan niệm sai lầm, các gia đình có trẻ béo phì, khi cắt bớt khẩu phần lại thường cắt sữa, trong khi nếu để trẻ uống sữa không đường mà bớt 1/2 bát cơm, giảm đồ xào rán thì vẫn đảm bảo tăng trưởng chiều cao mà không béo thêm.
Các tin khác