Ăn không đủ protein, thiếu ngủ, uống ít nước... khiến cơ thể có xu hướng thèm ăn hơn bình thường, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, khó cải thiện số đo cân nặng.
Thiếu protein
Protein là thành phần chính hình thành nên các tế bào trong cơ thể người, chịu trách nhiệm thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể, duy trì cơ bắp. Trong dinh dưỡng, protein giúp tăng cảm giác no. Nếu lượng protein trong khẩu phần ăn không đủ, bạn sẽ dễ cảm thấy đói, hay thèm ăn. Sau bữa ăn chính nếu thấy thèm ăn bạn có thể ăn một chút sữa chua Hy Lạp ít hoặc không đường. Chuối chín hoặc các loại hạt đậu cũng chứa một lượng nhỏ protein, chất xơ giúp bạn hạn chế thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa hiệu quả.
Nêm nhiều gia vị
Việc nêm nếm quá nhiều gia vị vào thức ăn cũng sẽ kích thích sự thèm ăn và độn thêm khá nhiều calo cho món ăn. Ngay cả khi ăn salad, bạn cũng nên tiết chế hoặc chọn các loại sốt đơn giản, ít calo nếu đang đặt mục tiêu
giảm cân. Nên cố gắng ưu tiên cách chế biến thực phẩm đơn giản, hạn chế gia vị. Thói quen ăn nhạt, ít gia vị cũng giúp cơ thể hạn chế tình trạng tích nước, bớt phù nề và có lợi cho sức khỏe nói chung.
Ăn ngọt
Đồ ngọt là một trong những món dễ khiến bạn lên cân và mất kiểm soát trong việc ăn vặt nhất. Khi nạp đường vào cơ thể, não bộ có xu hướng bị đánh lừa, chúng xem đồ ngọt như một phần thưởng, nên càng ăn ngọt bạn lại càng thấy thèm ăn hơn. Bên cạnh đó đường được xử lý rất nhanh, khiến bạn nhanh thấy đói, đồng thời không chứa bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào nên không tạo cảm giác no bụng. Đường cũng là một trong những tác nhân chính làm tăng khả năng sản xuất insulin, khiến chất béo tích tụ nhiều nhất ở vùng bụng dưới - một trong những vị trí khó giảm mỡ nhất nhì trên cơ thể.
Đường không chỉ có nhiều ở các loại bánh kẹo, còn có trong trái cây, nước ép hoa quả, tinh bột... vì vậy bạn nên chú trọng về liều lượng khi ăn những món này. Theo WHO, lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày chỉ nên ở mức khoảng 35 g, tuy nhiên chỉ cần tiêu thụ 4 g tinh bột đã tương đương 0,5 g đường.
Thiếu nước
Một trong những nguyên tắc hàng đầu giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn là uống đủ nước. Đến 70% cơ thể là nước, khi mất nước, thiếu nước cơ thể sẽ tạo ra ảo giác khiến bạn nghĩ rằng đấy là đói. Uống khoảng 2 lít nước trong ngày sẽ giúp bạn bớt cảm giác đói, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa trơn tru, góp phần đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Nêu bạn thấy nhàm chán khi chỉ uống nước lọc, có thể thêm một vài lát dưa leo, chanh tươi hay lá bạc hà giúp nước lọc có hương vị hấp dẫn hơn đồng thời tăng cường tác dụng thải độc, giải nhiệt, giảm phù nề cho cơ thể.
Thiếu ngủ
Thời lượng và chất lượng của giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến cân nặng không kém gì chế độ ăn và tập luyện thể thao. Khi bạn thiếu ngủ, hormone gây stress là cortisol sẽ gia tăng khiến cơ thể càng thêm thèm ăn, nhất là với các loại thực phẩm giàu calo, tinh bột, chất béo xấu. Ngủ không ngon, không đủ giấc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất, dễ làm tích tụ mỡ thừa. Thiếu ngủ lâu ngày còn ảnh hưởng đến mức insulin trong cơ thể. Lượng insulin dư thừa khiến bạn nhanh đói hơn đồng thời có xu hướng tích trữ nhiều calo hơn dưới dạng chất béo. Đây không chỉ là nguyên nhân gây tăng cân, còn là tiền đề cho bệnh tiểu đường tuýp 2.