Trước sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, trong đó có các căn hộ khách sạn, các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng nên chú trọng vào việc quy hoạch hợp lý các dự án, tránh gây áp lực lên hạ tầng xã hội.
Đà Nẵng đang đứng trước viễn cảnh quy hoạch hạ tầng bị phá vỡ vì sự phát triển "nóng" của các dự án bất động sản
Áp lực với hạ tầng
Tại một hội thảo được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã bày tỏ mối lo ngại về sự bùng nổ nguồn cung các dự án bất động sản, đặc biệt là các
căn hộ khách sạn (condotel), có thể khiến quy hoạch hạ tầng của Đà Nẵng bị phá vỡ. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2016, tại Đà Nẵng xuất hiện xu hướng nhà đầu tư đề nghị được chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang đất xây dựng căn hộ du lịch và biệt thự du lịch tại các dự án ven biển.
Ông Nam cho rằng, trước xu hướng đầu tư mới, nếu TP. Đà Nẵng không có cơ chế quản lý phù hợp đối với việc chuyển đổi, thì sẽ có nguy cơ hình thành các đơn vị ở, từ đó tạo áp lực khá lớn đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thành phố, đặc biệt là tại những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, không có sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khi số lượng người cư trú tăng đột biến.
Không chỉ tác động đến hạ tầng, một số chuyên gia cảnh báo, sự tăng trưởng ồ ạt các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án condotel và các cơ sở lưu trú cấp thấp sẽ gây rối loạn thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ địa ốc First Real Chi nhánh phía Nam lo ngại tình trạng này sẽ khiến mô hình condotel Đà Nẵng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hơn nữa, việc cạnh tranh giữa các phân khúc chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn trên thị trường bất động sản và có thể dẫn đến nguy cơ “chết chung” cho tất cả.
Về phần mình, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho biết, các căn hộ condotel hiện nay được thiết kế chủ yếu là các căn hộ nhỏ, gồm 1-2 phòng ngủ và cho các kỳ nghỉ ngắn, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, sự bùng nổ các dự án bất động sản sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ về giao thông ở một số địa điểm.
Cần những tính toán hợp lý
Đó là đề nghị của ông Nguyễn Hữu Đức đối với việc cấp phép các
dự án condotel Đà Nẵng. “Trước tiên, cần lựa chọn những đơn vị có năng lực tốt nhất để cấp phép làm condotel, sau đó căn cứ vào thị trường để cấp phép tiếp chứ không nên cấp một cách ồ ạt”, ông Đức đề nghị.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, các dự án condotel phải được thiết kế và xây dựng phục vụ cho hoạt động khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng, phải có đủ cơ sở hạ tầng, các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí để khách du lịch và người lưu trú sử dụng tại chỗ, nhằm giảm bớt sức ép lên hạ tầng của Thành phố. Thành phố cũng nên hạn chế phát triển các dự án condotel ở khu vực trung tâm để tránh tình trạng giao thông rơi vào quá tải.
Chia sẻ về điều này, ông Trần Anh Quốc Cường, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng cho biết, khi quy hoạch thiết kế xây dựng Dưạ́n FPT City Đà Nẵng, FPT đã xác định vị trí Dự án thuộc khu vực Đông Nam TP. Đà Nẵng, nơi có không gian thoáng đãng, quỹ đất lớn và có 4 trục đường giao thông lớn nhằm giảm áp lực về hạ tầng giao thông sau này. “Đây là những tính toán dựa trên những kinh nghiệm từ những vấn đề nan giải của các đô thị lớn đang gặp phải”, ông Cường nói.
Ông Andrew Richard Fros, kiến trúc sư của Công ty thiết kế Dark Horse Architect (Australia) - kiến trúc sư của Dự án Ariyana Resort & Suites Đà Nẵng đưa ra quan điểm, TP. Đà Nẵng nên tập trung vào việc đầu tư, phát triển thêm các phố đi bộ, phố dành cho xe đạp, công viên cây xanh và các không gian mở, để mọi người thoải mái sử dụng, cũng như tạo ra cho du khách những trải nghiệm tốt nhất và ấn tượng bởi không gian quy hoạch đô thị thoải mái của Thành phố.