KIẾN THỨC NUÔI DẬY CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

›› Trang chủ
›› Mang thai
›› Chăm con
›› Dạy con
›› Gia đình
›› Giảm cân

Tâm sựNuôi dạy con

Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ bí quyết làm mẹ tự tin và hạnh phúc

Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ bí quyết làm mẹ tự tin và hạnh phúc

Theo chị Nguyễn Thị Thu, những người mẹ không nên so sánh bản thân mình với những người mẹ khác vì mỗi người mẹ là một bông hoa tỏa hương rực rỡ theo cách của riêng mình.
Mình nhận được rất nhiều tâm sự của các chị em xoay quanh chuyện có nên từ bỏ công việc, từ bỏ cơ hội thăng tiến để dành hết thời gian cho con trong 6 năm đầu đời, làm thế nào cân bằng giữa mong muốn nuôi dưỡng con mình giỏi giang lại vừa muốn tăng tiến trong sự nghiệp.

Những điều mình chia sẻ chỉ là cách nhìn của mình về chuyện vừa làm mẹ, vừa nuôi con vừa khát khao thực hiện ước mơ của chính mình.
Mình viết những điều này với mong muốn có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho những người đang làm mẹ, những phụ nữ trong thời hiện đại, vừa biết nuôi con khoa học, vừa muốn được khẳng định bản thân mình với thế giới.

1. Làm mẹ trước hết bạn phải làm một người phụ nữ tự tin, hạnh phúc
Trước khi làm mẹ hãy làm một người phụ nữ, người phụ nữ với khát vọng khẳng định giá trị của bản thân. Bạn ước mong con mình sau này sẽ vươn xa sẽ tỏa sáng, thì chính hôm nay, chính lúc này, chính bản thân bạn phải làm được điều ấy trước, thì sau này con bạn mới sẽ nhìn theo và tỏa sáng.

Đó là lí do dù kết hôn, sinh con nhưng mình chưa bao giờ nghĩ đến hai từ hi sinh bản thân vì con cái. Ba mẹ đơn giản chỉ là người hỗ trợ, đồng hành cùng con trong hành trình giúp con khám phá cuộc sống này. Con cái cũng sẽ không bao giờ cảm thấy bị gánh nặng bởi hai chữ “ba mẹ đã hi sinh” vì mình.

Cũng đừng để tâm lí trách nhiệm với cuộc đời con cái đè nặng lên đôi vai mình. Bởi vì cuộc đời con cái tách biệt với cuộc đời của chúng ta. Đó cũng là lí do mình lựa chọn về Việt Nam chứ không sống ở Nhật để cho con hưởng nền giáo dục và môi trường sống tốt hơn ở Việt Nam. Bởi với mình, về Việt Nam mới là lựa chọn khiến mình cảm thấy hạnh phúc.

2. Hãy cứ là bông hoa tỏa hương theo cách của mình
Đây là câu nói mình tự nhủ với chính bản thân mình nhiều nhất, và cũng là câu nói mình muốn nói với những người bạn của mình nhất, những người đã luôn yêu quý và dành thời gian đọc những gì mình viết.

Có thể hàng ngày bạn đọc những bài báo, những câu chuyện, những hình ảnh trên facebook về những người mẹ nuôi con tài năng, nghỉ việc để dành thời gian cho con, làm những đồ chơi handmade cho con, nghĩ ra nhiều trò nhiều cách nuôi dạy con hay, bạn sẽ cảm thấy áp lực khi so sánh mình với những bà mẹ ấy.

Bạn biết mỗi khi như thế mình thường làm gì không?
Nếu mình không so sánh con mình với con nhà khác, thì cũng không cần so sánh bản thân mình với những người mẹ khác.

Bởi vì sao ư?
Bạn sinh ra với một hương thơm mà Thượng Đế đã ban cho, vậy hãy cứ tỏa hương theo cách của mình. Bạn có thể chỉ là một loài hoa dại bên đường (như mình thường tự nhận mình là loài hoa dại), không được nhiều người trầm trồ như hoa hồng, hoa lan đi nữa thì vẫn luôn nhớ rằng mình sinh ra trên đời ắt có một sứ mệnh, sứ mệnh sống và tỏa hương theo cách riêng mà hồng hay lan kia cũng không thể bắt chước được.

Hãy cứ nuôi con theo cách của bạn, theo những gì bạn tin là đúng, phát huy những gì bạn có thế mạnh nhất, bên cạnh việc không ngừng quan sát con để trau dồi thêm kiến thức cho bản thân trong hành trình làm mẹ.

Với mình, làm mẹ hạnh phúc chính là làm mẹ tự tin, làm mẹ số 1 và duy nhất trên đời với con mình. Có cách nuôi dạy con độc nhất chỉ với chính con mình.

3. Chính thái độ sống và làm việc mới là món quà tuyệt vời bạn dành tặng con
Món quà lớn nhất ba mẹ dành tặng cho con đương nhiên không phải là tiền bạc, cũng không phải là việc bạn có thể nuôi dưỡng được tài năng cho con, giúp con tỏa sáng tài năng đó. Mà chính là thái độ với cuộc sống và công việc.

Mình xin kể hai câu chuyện nhỏ như thế này:
Cha đã để lại cho con tinh thần cầu học-"Cho dù ngày mai thế giới có kết thúc, thì hôm nay tôi vẫn sẽ trồng cây":
Một trong những tác giả, nhà báo-nhà khoa học mà mình rất hâm mộ ở Nhật là Bác Ikegami Akira (chắc bạn nào ở Nhật thì đều biết đến tên bác) bởi tinh thần cầu học, kiến thức uyên bác sâu rộng cùng lối diễn giải cực kỳ dễ hiểu và khoa học trên truyền hình cũng như trong những cuốn sách bác ấy viết. Trong 1 cuốn sách viết về việc dạy giới trẻ “đừng bao giờ ngừng học”, bác ấy đã kể lại rằng tinh thần cầu học mà bác ấy luôn duy trì được cho mình chính là nhờ người cha của bác ấy.

Hồi nhỏ, bố của bác chỉ suốt ngày công việc mà hầu như không bao giờ có thời gian chơi với bác ấy. Nhưng ông có thói quen duy trì đều đặn việc học mỗi ngày, kể cả khi đã nghỉ hưu ở ngân hàng, ông lại bắt đầu học việc trở thành một dịch giả, phiên dịch viên cho những đoàn du lịch nước ngoài đến Nhật. Kể cả khi phải ở trong bệnh viện, ông vẫn nhờ con cái mượn giúp từ điển để học. Tinh thần cầu học ấy đã có tác động to lớn lên ý chí học hành của bác Ikegami Akira, tạo nên một nhà khoa học có sức ảnh hưởng lớn như hiện nay.

Chính thái độ sống và làm việc của bạn mới là món quà tuyệt vời dành cho con.

Thái độ sống của mẹ đã truyền lửa cho mình như nào?

Đây là câu chuyện về chính bản thân mình:
Có một chuyện mình nghĩ rằng mình được ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ mình, chính là thái độ sống hiên ngang và không chịu cúi đầu. Những năm tháng mình xa nhà, mẹ mình đã từng chịu oan ức vì bị họ hàng gia đình đổ cho tội nợ không chịu trả, dẫn đến bao nhiêu chuyện không vui trong gia đình. Có nhiều người hàng xóm thấy tình cảnh ấy đã khuyên mẹ mình số tiền ấy có đáng là bao đâu, trả đi cho nó yên chuyện.

Nhưng mẹ mình nói, nhất quyết không trả vì mẹ mình đã trả tiền rồi, sự thật ấy có mẹ, có người ấy, có trời biết đất biết. Mẹ sẵn sàng thề với trời đất, ra thề cả với miếu ngoài làng về chuyện này. Chuyện mẹ không làm việc gì mẹ phải nhận lỗi chỉ vì muốn xoa dịu căng thẳng và cúi đầu khuất phục.

Nếu hôm nay mẹ cúi đầu nhận lỗi mà mẹ không chịu thì khác nào mẹ thừa nhận mình là người mẹ dối trá với các con. Mẹ còn là mẹ của các con, còn danh dự của các con sau này nữa chứ. Các con không ai muốn mẹ mình là một kẻ sống dối trá cả.

Mình đã hiểu mình có được thái độ sống trung thực, hiên ngang với cuộc đời là nhờ ai.

Vậy đấy, có thể bạn không có nhiều thời gian dành cho con để phát huy và đồng hành với tài năng của con đi nữa, thì hãy tin rằng chỉ cần bản thân sống hết mình với cuộc đời cũng đã là một món quà cho các con học tập rồi. Hai câu chuyện này cũng giúp mình duy trì thói quen luôn cầu học, luôn sống trung thực hiên ngang để cho chính Bon học tập. Mỗi giá trị sống hôm nay mình tích lũy, sẽ là một món quà mình tặng Bon sau này.

4. Phẩm chất người phụ nữ hiện đại cần: kỹ năng sắp xếp cuộc sống, và đừng cố trở nên hoàn hảo
- Không phải là “đảm đang”, nhất định “đảm đang” không phải là từ khóa của mình về phẩm chất của phụ nữ Việt Nam hướng đến trong thời hiện đại. Mà chính là trang bị những kỹ năng xử lí, sắp xếp cuộc sống hợp lí.

- Mình thường xuyên đọc những bài báo hay sách dạy về kỹ năng sắp xếp việc nhà, công việc, sắp xếp thời gian hợp lí để học được cách cân bằng giữa gia đình-chăm con-đam mê cho bản thân. Vì mình xác định mình là bà mẹ vừa muốn thăng tiến trong sự nghiệp, vừa muốn nuôi dạy con tốt nên mình rất cần học hỏi những kỹ năng này.

Chị Thu luôn tích cực học cách cân bằng giữa gia đình - chăm con và đam mê của bản thân.
- Lên kế hoạch cho công việc 1 ngày, sử dụng thời gian hợp lí hiệu quả, sử dụng sự hỗ trợ từ người giúp việc một cách hiệu quả, phối hợp với chồng, ông bà như nào để giúp mình…

- Mình cũng không cố gắng làm người vợ điểm 10, người mẹ điểm 10 đâu. Chỉ làm người vợ, người mẹ điểm 7-8 thôi. Và nhờ đến sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình.

Có những khiếm khuyết, điểm yếu của mình, chồng con vẫn cần chấp nhận và chia sẻ cùng. Ví dụ như mình không biết là ủi quần áo, nên ngay từ khi yêu đến giờ, chồng luôn là người là quần áo cho cả nhà, còn mình chỉ việc mặc (chắc mình may mắn vì có anh chồng biết làm mọi việc). Mình không cố gắng học việc này vì chồng đã biết làm rồi thì mình dành thời gian để học cái khác (thế nên chồng mình toàn nói mình là bà vợ bá đạo, vụng về mà).

5. Ít nhất hãy dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để trò chuyện với con, quan sát con để nhận ra những thay đổi nhỏ và thay đổi cách ứng xử
Nhu cầu lớn nhất của trẻ nhỏ chính là trò chuyện. Như một bản năng, trò chuyện để giúp trẻ phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng quan hệ yêu thương và tin tưởng với ba mẹ.

Dù bạn có thật sự bận rộn mấy đi nữa thì mình nghĩ vẫn cần mỗi ngày ít nhất dành ra 1 tiếng để trò chuyện với con (kể cả thời gian đi tắm cho con cũng tính), mà không động đến bất cứ điện thoại, máy tính, tivi, làm việc riêng. Thời gian ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà không tập trung.

Nhưng với những bé dưới 3 tuổi thì từ đáy lòng mình vẫn khuyên các ba mẹ nên dành nhiều thời gian hơn 1 tiếng để nói chuyện, tương tác với con, làm những việc tuy không phải mỗi ngày nhưng như cho con ăn, tắm, ru con ngủ nếu có thể hãy làm cho con. Ngày nghỉ hãy dành 100% thời gian gắn kết với con qua những cuộc đi chơi, ra ngoài cùng nhau.

Nguyên tắc của chị khi ở cạnh con là không dùng điện thoại, dành 100% thời gian và sự chú ý cho con mình.

Dù bạn có bận rộn đến đâu hãy tinh tế để nhận ra sự thay đổi ở con, và tìm cách ứng xử cho phù hợp. Mình biết rất nhiều trẻ khi bắt đầu đi học, thời gian trò chuyện với ba mẹ ít hẳn đi, nhiều khi ba mẹ không để ý là sẽ dẫn đến sự xa cách không hàn gắn được.

Nguyên tắc của mình là khi ở bên Bon thì hầu như mình không dùng điện thoại, đặc biệt từ khi đón Bon ở trường mẫu giáo về. Mình chỉ dành 100% thời gian cho Bon. Cùng chơi, cùng đi bộ, cùng nói chuyện, cùng trả lời mọi câu hỏi của con…Nhưng khi đã tạm biệt Bon ở trường, mình quên Bon hoàn toàn để dành 100% tinh thần cho công việc. Ngày nghỉ thì không bao giờ nghĩ đến công việc, cũng như rất ít khi check facebook hay email.

6. Lời cuối cho những người bạn, người chị em của mình
Gửi người chị yêu quý: Em rất vui vì thấy chị tìm được niềm vui trong công việc, trong cuộc sống qua những sự thay đổi trên facebook. Hi vọng bài viết này có thể giúp ích cho chị. Hãy lựa chọn theo trái tim mình, mình phải tươi thì cuộc đời con cái mới tươi được.

Gửi những người bạn của mình: Hi vọng những điều mình viết sẽ là liều thuốc “tăng lực”, khơi nguồn cảm hứng cho các bạn. Đôi khi mình rất biết ơn cuộc đời vì đã cho mình được lắng nghe tâm sự của các bạn, và có thể giúp các bạn thấy được sự tự tin khi làm mẹ. Hãy cùng là những bà mẹ tự tin, hạnh phúc nhé.

Vài nét về tác giả: Chị Nguyễn Thị Thu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba. Chị và chồng sống ở Nhật đã 10 năm và có một bé trai gần 2 tuổi.

Chị là mẹ Việt có nhiều quan điểm nuôi dạy con thú vị được nhiều bà mẹ chia sẻ. Chị đồng thời là dịch giả của các cuốn sách: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập", "Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản tập 2" và là người đầu tiên giới thiệu văn hóa đọc ehon (truyện có tranh minh họa cho trẻ 0-10 tuổi) cho con của cha mẹ Nhật đến đông đảo cha mẹ Việt Nam.

Các tin khác

Xem tất cả bài viết thuộc mục: Nuôi dạy con
Trang chủ     Giới thiệu     Chính sách bảo mật     Tuyên bố từ chối trách nhiệm

Copyright © 2016 Chametainang.com - Email: chametainang.com@gmail.com - Liên hệ QC. Mr. Hiền 0989343566
Chia sẻ kiến thức chăm sóc Mẹ & Bé - Chăm sóc nuôi dạy con phát triển toàn diện

khan qua tang | khan khach san | khan spa | https://www.youtube.com/@scalpgoldwin1982