Giảm chưa từng có, lỗ 5 triệu/lượng: Điều khủng khiếp của vàng
Giá vàng thế giới lao dốc ở mức chưatừng có trong 3 năm qua. Cú lao dốc thực sự bất ngờ nhưng giới quan sát lo ngại điều kinh khủng nhất còn ở phía trước.
Vỡ mộng vì vàng
Sau một thời gian khá lâu sau cú thua lỗ liền tay 2 triệu đồng/lượng trong cuộc chạy đua mua vàng thời điểm sốt nóng cách đây vừa tròn 3 tháng, ông Nguyễn Hữu Phước không còn ngó ngàng đến vàng. Tuy nhiên, thông tin về cú giảm mạnh chưa từng có trong 3 năm qua của giá vàng thế giới khiến NĐT này chột dạ tính chuyện mang vàng đi bán ngay đầu giờ sáng 5/10.
Trước đó, trong một ngày kém may mắn 6/7, ông Phước đã không thể ngồi yên trước cú tăng giá chóng mặt và quyết định dùng số tiền nhàn rỗi mua vàng miếng SJC ở thời điểm vàng lên mức giá kỷ lục 2016, suýt soát 40 triệu đồng/lượng.
Cú đổ dốc ngay trong phiên sau đó đã khiến vàng của ông Phước cũng như nhiều người khác bốc hơi 2-3,4 triệu đồng cho mỗi lượng chỉ sau một đêm ngủ dậy. Giá vàng DN kinh doanh vàng mua vào trong phiên sau đó chỉ còn 36,6 triệu đồng/lượng.
Chưa bán là chưa lỗ, vàng sau đó đã có những thời điểm tăng trở lại, nhưng cho tới thời điểm này, khoảng 3 tháng sau khi mua vàng, tính ra ông Phước đã lỗ tổng cộng gần 5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC do các DN mua vào ở đầu giờ sáng 5/10 chỉ còn 35,2-35,3 triệu đồng/lượng.
Kịch bản vàng rớt thảm và bài toán bán cắt lỗ hay ôm tiếp lại lặp lại. Giá vàng liên tục lao dốc khiến túi tiền của nhiều người dân Việt bốc hơi nhanh chóng. Tuy nhiên, niềm tin nếu không bán ra thì chưa lỗ và vàng vẫn có thể hồi phục. Đây là điều nhiều người trong đó có ông Phước mong đợi.
Cũng có tâm lý như ông Phước, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, vàng có lúc tăng lúc giảm, nhưng xu hướng dài hạn vẫn là tăng. Từ mức giá 15-16 triệu đồng/lượng hồi 2007-2008, giá vàng hiện giờ đã cao hơn gấp 2 lần cho dù đã có những thời điểm sụt giảm rất mạnh.
“So với đỉnh cao 49 triệu đồng/lượng hồi cuối 2011, giá vàng giờ đây đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vàng là một loại tài sản và tôi thường mua khi giá ở mức thấp, lúc 16 triệu đồng/lượng, lúc 25 triệu, có khi 36. Nhưng nhìn chung, đây là một loại tài sản khá an toàn trong bối cảnh tiền tệ của các nước trên thế giới có xu hướng giảm không ngừng theo thời gian”, bà Hiền chia sẻ.
Trên thực tế, giá vàng miếng có lúc tăng lúc giảm. So với đỉnh cao hồi đầu tháng 7, vàng đã giảm khoảng 11% nếu cùng so giá mua vào và bán ra. Nếu so sánh chính xác, tính cả phần chênh của DN kinh doanh vàng, thì mức lỗ lên tới gần 15%. Tuy nhiên, so với đầu 2016, vàng SJC vẫn có giá cao hơn khoảng 7,4%.
Giá vàng sẽ tăng hay giảm mạnh?
Có rất nhiều dự báo trái chiều được đưa ra với vàng. Nhiều dự báo cho thấy, vàng có thể tăng lên tới 60 triệu đồng/lượng (quy đổi), thậm chí 100 triệu đồng. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 9, Citigroup dự báo vàng có thể lên 1.425 USD/ounce ngay trong quý 4/2016, tương đương khoảng 38,3 triệu đồng/lượng bởi… Donald Trump.
Do vậy, cú giảm giá chưa từng có trong 3 năm qua vào rạng sáng ngày 5/10 trên thị trường thế giới thực sự là một bất ngờ với nhiều người. Lần đầu tiên kể từ khi nước Anh bỏ phiếu rút khỏi EU (Brexit) hồi cuối tháng 6, giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce.
Trên thực tế, đợt giảm giá này có khá nhiều nguyên nhân cũng đã được dự báo từ trước. Đó là do nhu cầu mua vàng đột ngột giảm mạnh và còn ở mức thấp trong thời gian tới trong bối cảnh rất nhiều nước bước vào một quý 4 thông thường rất ngắn ngủi. Trung Quốc đang nghỉ lễ quốc khánh tới 9/10, còn Mỹ và nhiều nước phương Tây cũng sẽ có nhiều đợt nghỉ lễ (gồm Noel)…
Đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có bảng Anh (xuống thấp nhất 31 năm sau khi thủ tướng Anh kích hoạt quá trình Brexit) đã khiến dòng tiền đổ vào đồng bạc xanh thay vì vàng. Những khuyến nghị Fed nên nhanh chóng tăng lãi suất đồng USD cũng gây áp lực lên vàng.
Theo một đánh giá mới nhất của WB, việc Anh rời EU sẽ không có tác động lớn lên khu vực này trong ngắn hạn, do quan hệ thương mại, tài chính với Anh không lớn (Anh đóng góp chưa đầy 2% tổng xuất khẩu của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương). Đây cũng được xem là lý do khiến nhu cầu đầu tư vào loại tài sản an toàn như vàng giảm thấp.
Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng, vàng giảm giá mạnh vừa qua chủ yếu là do giá xuyên thủng ngưỡng nhạy cảm 1.300 USD/ounce. Cú giảm giá xuyên thủng ngưỡng giá trung bình 100 ngày và cũng là ngưỡng nhạy cảm về mặt tâm lý này đã kích hoạt một làn sóng bán cắt lỗ vốn đã được nhiều NĐT cài đặt sẵn trước đó.
Trên Kitco, Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của NH Saxo Bank cho rằng, sự điều chỉnh của vàng là cần thiết. Bill Baruch, nhà môi giới cao cấp của iiTrader cũng cho rằng, sự điều chỉnh là một phần tất yếu của một quá trình đi lên.
Trên thực tế, có rất nhiều dự báo của các tổ chức uy tín như Merrill Lynch, Euro Pacific Capital, Matterhorn Asset Management cho rằng, vàng đang trong một chu kỳ tăng giá 10 năm liên tiếp mới (sau 3 năm giảm) và có thể tăng lên mức giá khó tưởng tượng trong bối cảnh nợ của các nước ở mức cao chưa có tiền lệ và hoạt động in tiền không có điểm dừng như hiện nay.
Gần đây, một số chuyên gia chia sẻ trên CNBC cho rằng, vàng có thể vẫn đang ở những ngày đầu của một chu kỳ tăng giá lịch sử. Thế giới có thể sẽ sớm trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, thường lặp lại 10 năm một lần. Điều mà họ lo ngại là nếu khủng khoảng xảy ra lần này không phải là sẽ có một cú giải cứu một NHTM như trước đó mà vấn đề là: ai sẽ giải cứu cho ngân hàng trung ương các nước?
Các tin khác