Nguyên nhân khiến quá trình thụ thai thất bại
Quá trình thụ thai không thành công có thể do rụng trứng bất thường ở nữ, tinh trùng kém ở nam hoặc sự bất thường trong cơ quan sinh sản ở cả hai giới.
Đa số các cặp đôi đều có thể mang thai tự nhiên sau khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, một số người lại gặp khó khăn hơn trong việc thụ thai do nhiều nguyên nhân và không phải lúc nào cũng có biểu hiện rõ ràng để nhận biết. Dưới đây là 11 lý do có thể dẫn đến mang thai không thành công:
Cố gắng chưa đủ lâu
Điều đầu tiên cần xem xét xem là các đôi đã cố gắng mang thai trong bao lâu. Dù nóng lòng nhưng nhiều cặp vợ chồng không thụ thai ngay lập tức. Khoảng 80% các cặp vợ chồng có thể có thai sau 6 tháng cố gắng và 90% sau 12 tháng. Tỷ lệ này tính theo xác suất các cặp đôi giao hợp vào cùng một khoảng thời gian hàng tháng.
Không rụng trứng
Để quá trình thụ thai diễn ra cần có trứng và tinh trùng. Nếu người phụ nữ không rụng trứng sẽ không thể mang thai. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nữ và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), thừa cân hoặc thiếu cân, suy buồng trứng nguyên phát, rối loạn chức năng tuyến giáp, tăng prolactin máu hay tập thể dục quá mức...
Hầu hết chị em đang gặp vấn đề về rụng trứng đều có kinh nguyệt không đều. Nếu đang bị rối loạn kinh nguyệt và chưa thể mang thai trong vòng một năm, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa. Tuy nhiên, không phải cứ chu kỳ kinh nguyệt đều đặn thì quá trình rụng trứng diễn ra bình thường. Đôi khi còn do nhiều nguyên nhân liên quan tới rối loạn chức năng rụng trứng.
Tắc ống dẫn trứng
Các vấn đề về rụng trứng chiếm khoảng 25% các trường hợp vô sinh nữ. Trong đó có thể kể đến việc tắc ống dẫn trứng, bất thường ở tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Ở nữ giới, các ống dẫn trứng có vai trò là đường dẫn giữa buồng trứng và tử cung. Khi trứng được phóng thích từ buồng trứng, những tua nhỏ ở ống dẫn trứng sẽ hút trứng vào bên trong, Sự thụ thai diễn ra bên trong ống dẫn trứng, nơi cuối cùng tinh trùng và trứng gặp nhau. Nếu có gì ngăn cản các ống dẫn trứng hoạt động bình thường thì sẽ không thể mang thai.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến ống dẫn trứng bị tắc. Việc xét nghiệm khả năng sinh sản mới có thể xác định xem ống dẫn trứng có gặp vấn đề hay không. Hysterosalpingogram (HSG) là một phương pháp chụp X-quang chuyên dụng được sử dụng để kiểm tra tình trạng ống dẫn trứng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là khi các mô lót bên trong tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung. Thống kê có tới 50% nữ giới bị lạc nội mạc tử cung sẽ khó mang thai. Các triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung bao gồm đau bụng kinh dữ dội, đau ở vùng chậu ngoài kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không phải ai bị lạc nội mạc tử cung cũng có những biểu hiện này.
Khoảng 10% đến 15% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nhưng thường bị chẩn đoán nhầm hoặc đơn giản là bị bỏ sót. Lạc nội mạc tử cung không thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu hoặc siêu âm mà cần phẫu thuật nội soi chẩn đoán. Do đó, việc chẩn đoán chính xác có thể mất từ 4 đến 11 năm kể từ khi có các triệu chứng kể trên.
Các vấn đề y tế khác
Những bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến vô sinh nam và nữ như sự mất cân bằng tuyến giáp, bệnh tiểu đường, lupus, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) hay ở nam là bệnh quai bị biến chứng sang tinh hoàn. Một số tình trạng sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm cũng có liên quan đến vô sinh.
Vô sinh nam
Không chỉ có nữ mà nam giới cũng có thể gặp vấn đề về sinh sản. Khoảng 20 - 30% các cặp vợ chồng hiếm muộn nguyên nhân là do người nam gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Vô sinh nam hiếm khi có các triệu chứng có thể quan sát được mà phải trải qua quá trình phân tích tinh dịch đồ. Đây là một xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của tinh dịch và tinh trùng. Do đó, trước khi tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn chưa thể mang thai, hãy đảm bảo rằng cả bạn và bạn tình đều cần kiểm tra các vấn đề về khả năng sinh sản.
Vô sinh liên quan đến tuổi tác
Phụ nữ sau 35 tuổi có thể mất nhiều thời gian hơn để mang thai. Nhiều người cho rằng nếu họ vẫn có kinh đều đặn thì khả năng sinh sản của họ vẫn ổn, nhưng điều này chưa hoàn toàn đúng. Tuổi tác ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng trứng. Nam giới cũng vậy, khi họ ở độ tuổi sau 40 tuổi cũng có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc kê đơn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thuốc chống trầm cảm sẽ khiến bạn khó mang thai hơn. Cụ thể, chúng có thể làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên của một phụ nữ có tiền sử trầm cảm. Do đó, nếu bạn lo lắng một loại thuốc nào đang dùng có thể cản trở việc mang thai, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lối sống
Những người thường xuyên sử dụng cần sa, cocaine, thuốc lắc, ketamine, amphetamine, thuốc lá, rượu dù mục đích để giải trí cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, căng thẳng, stress, chấn thương hoặc mất ngủ cũng ảnh hưởng tới quá trình thụ thai.
Thừa cân, thiếu cân quá mức, tập thể dục quá sức cũng làm gián đoạn khả năng sinh sản. Tuân thủ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng duy trì cân nặng vừa phải và hoạt động thể chất ở mức độ bình thường cũng làm tăng tỷ lệ thụ thai.
Vô sinh không rõ nguyên nhân
Khoảng 10 - 30% các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể tìm được nguyên nhân không thể có thai. Đây được gọi là vô sinh không rõ nguyên nhân. Nhiều bác sĩ đưa ra quan điểm rằng vô sinh không rõ nguyên nhân không tồn tại, đó chỉ là những vấn đề chưa được phát hiện hoặc chưa được chẩn đoán.
Không tìm hiểu nguyên nhân vô sinh
Nhiều cặp vợ chồng chần chừ kiểm tra và điều trị vô sinh vì nghĩ rằng họ cần thêm thời gian để cố gắng mang thai. Đây là một sai lầm vì nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh thường âm thầm và sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian. Càng chẩn đoán sớm thì các phương pháp điều trị khả năng sinh sản sẽ có hiệu quả hơn.
Phụ nữ trên 35 tuổi nếu không thể cố gắng mang thai trong vòng 6 tháng hãy đi khám sản khoa để tìm hiểu nguyên nhân. Còn với phụ nữ dưới 35, cần khám vô sinh sau khi cố gắng mang thai không thành công trong vòng một năm.
Các tin khác