Băng huyết sau sinh nguy hiểm của sản phụ và nỗi oan của bác sĩ
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO thì tỷ lệ tử vong mẹ do băng huyết sau sinh chiếm 25%. Đây là một biến chứng không mong muốn và cũng không phải 100% do lỗi tác trách của bác sĩ.
Băng huyết sau đẻ (Postpartum hemorrhage/PPH) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ. Tất cả phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần đều có nguy cơ băng huyết sau đẻ và các di chứng của nó. Mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm đáng kể ở các nước phát triển, nhưng băng huyết sau đẻ vẫn là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu ở những khu vực khác (các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển).
Tỷ lệ tử vong mẹ liên quan trực tiếp tới thai nghén tại Mỹ chiếm 7 - 10 phụ nữ/100.000 trường hợp sinh, trong đó có khoảng 8% trường hợp tử vong là do băng huyết sau đẻ.
Ở các nước công nghiệp phát triển, băng huyết sau đẻ là nguyên nhân gây tử vong mẹ đứng hàng thứ ba, sau thuyên tắc mạch và tăng huyết áp.
Ở các nước đang phát triển, một vài quốc gia có tỷ lệ tử vong mẹ chiếm tới hơn 1000 phụ nữ/100.000 trường hợp sinh, và theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì tỷ lệ tử vong mẹ do băng huyết sau đẻ chiếm tới 25%, tương đương hơn 100.000 trường hợp tử vong mẹ mỗi năm.
Theo một báo cáo gần đây của Hội Sản phụ khoa Mỹ thì ước tính có tới 140.000 trường hợp tử vong mẹ mỗi năm hoặc 1 trường hợp tử vong mẹ mỗi 4 phút.
Tỷ lệ băng huyết sau đẻ tăng lên từ 1,5% vào năm 1999 cho tới 4,1% vào năm 2009.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới băng huyết sau sinh
Đờ tử cung
Đờ tử cung nghĩa là tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã ra: đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Các yếu tố có thể dẫn đến đờ tử cung gồm:
- Chất lượng cơ tử cung kém: do sinh nhiều lần, do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng.
- Tử cung quá căng: do đa thai, đa ối, con to.
- Chuyển dạ kéo dài, giục sinh lâu với oxytocin hoặc chuyển dạ quá nhanh do cơn co tử cung cường tính.
- Nhiễm trùng ối.
- Thai phụ bị suy nhược, thiếu máu.
- Gây mê sâu.
Bất thường của bánh nhau
- Diện tích bánh nhau lớn, khi bong ra gây chảy máu nhiều như trong phù nhau thai.
- Nhau bám bất thường: nếu nhau bám thấp, cấu trúc lớp cơ vùng đoạn dưới chỉ gồm 2 lớp nên thu hồi không tốt, hơn nữa nhau có khuynh hướng ăn sâu vào lớp cơ tử cung làm nhau bong không hoàn toàn dẫn tới chảy máu nhiều.
Tổn thương đường sinh dục
- Vỡ tử cung, rách cổ tử cung và âm đạo có thể xảy ra trong các trường hợp sinh thường. Tuy nhiên, các biến chứng này thường gặp hơn trong những trường hợp sinh khó, sinh cần can thiệp thủ thuật.
- Những trường hợp sinh nhanh, sinh rớt cũng dễ dẫn tới tổn thương đường sinh dục.
Rối loạn đông máu
- Rối loạn đông máu thường xảy ra trong các trường hợp: nhau bong non, thai lưu, nhiễm trùng, thuyên tắc ối, hội chứng HELLP…
Điều quan trọng nhất để tránh tai biến này là các sản phụ phải đi khám thai định kỳ. Và cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ có thể tiên lượng được cuộc chuyển dạ. Đồng thời, sản phụ sẽ được phát hiện sớm các bệnh lý nội khoa để điều trị sớm chuẩn bị tốt cho việc sinh nở.
Các tin khác
Xem tất cả bài viết thuộc mục: Tin tức