Những thói quen xấu khi dọn dẹp
Chỉ cần sửa được những thói quen dưới đây, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức cho việc dọn nhà.
Tích tụ giấy tờ lộn xộn
Báo cũ, tạp chí, giấy kiểm tra, tài liệu... nằm rải rác hoặc chất đống ở khắp nơi là cảnh tượng quen thuộc đối với nhiều gia đình. Để tránh tình trạng này, hãy chọn một vị trí gần lối đi, đặt một thùng rác chuyên để giấy tờ ở đó. Ít nhất một lần mỗi tuần, hãy phân loại giấy tờ và thực hiện hành động cần thiết, chẳng hạn chụp ảnh các tranh vẽ của trẻ con để lưu trữ hoặc đóng khung treo lên tường.
Tích trữ thực phẩm thừa trong tủ lạnh
Nếu bạn biết gia đình mình ghét ăn lại một món cũ, vậy tại sao lại phải cất đồ ăn thừa vào tủ lạnh? Hãy điều chỉnh lượng nguyên liệu dùng để nấu cho mỗi bữa, hoặc nếu lỡ dư thì nên tìm cách xử lý sớm nhất có thể. Thực phẩm được bảo quản không đúng cách sẽ khiến vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
Để bát đĩa bẩn trong bồn rửa
Bồn rửa là nơi sinh sôi vi khuẩn dễ dàng và mời gọi ruồi muỗi kéo đến nếu bạn tiếp tục giữ thói quen để bát đĩa bẩn mà không rửa ngay. Mọi thành viên trong gia đình cần rèn thói quen tráng bát đĩa và cho vào bồn rửa, hoặc rửa bằng tay ngay sau khi sử dụng.
Sử dụng chất tẩy rửa không đúng cách
Dùng quá nhiều nước rửa bát hoặc nước giặt hơn mức khuyến nghị trên bao bì không khiến đồ đạc sạch hơn. Ngược lại, lượng chất tẩy rửa dư thừa sẽ trở thành nam châm hút cặn bẩn.
Tương tự như việc sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa là không cần thiết, chất tẩy rửa quá mạnh có thể gây hại đến bề mặt các vật dụng trong gia đình, thậm chí các hóa chất chứa trong đó có thể không an toàn với vật nuôi. Hãy ưu tiên các sản phẩm tẩy rửa nhẹ nhàng và có nguồn gốc thiên nhiên. Đừng quên dành 30 giây để đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng chất tẩy rửa đúng cách.
Dọn dẹp bằng dụng cụ bẩn
Nếu máy giặt của bạn có nhiều vi khuẩn tích tụ trong cặn bột giặt, quần áo cũng sẽ bốc mùi. Nếu máy hút bụi chứa đầy bụi bên trong, nó sẽ không hoạt động tốt nữa. Một cây lau nhà hoặc miếng bọt biển bẩn sẽ chỉ mọi thứ bị bám nhiều vi khuẩn hơn.
Hãy dành thời gian để làm sạch thật kỹ các dụng cụ kể trên sau mỗi lần dọn dẹp. Giũ hết chất bẩn, rửa bằng nước nóng hoặc thêm chất khử trùng. Thay thế dụng cụ dọn dẹp định kỳ cũng là nhiệm vụ bạn cần ghi nhớ.
Để khăn tắm ẩm ướt
Nếu muốn tiết kiệm thời gian chà sạch nấm mốc trên mặt sàn phòng tắm về sau, hãy nhớ treo khăn tắm và dàn rộng bề mặt để nhanh khô thay vì dồn ứ lại một góc. Hành động nhỏ này sẽ giúp phòng tắm sạch thoáng và hạn chế sinh sôi vi khuẩn.
Cất trữ sản phẩm làm sạch không đúng cách
Bạn có phải loay hoay tìm chai xịt lau kính hay nước lau nhà mỗi khi cần đến chúng? Thay vì đặt các sản phẩm làm sạch ở lung tung trong nhà, bạn nên hình thành thói quen gom chúng thành từng nhóm nhỏ và để riêng ở các khu vực liên quan. Hãy sắm thêm xô đựng hoặc các kệ nhỏ dành riêng cho việc cất sản phẩm làm sạch khi không sử dụng.
Không phủi bụi trước khi lau
Đừng xem nhẹ trật tự các bước khi lau dọn. Hãy dùng khăn khô gạt hết bụi từ các kệ trên cao trước khi dùng khăn ướt lau chúng và dùng máy hút bụi để làm sạch sàn. Trật tự ngược lại có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn.
Bỏ dở việc dọn dẹp
Đừng cầm điện thoại lướt tin tức khi đang là quần áo, hãy tập trung vào việc chính. Nếu chỉ có 15 phút để dọn dẹp, hãy bắt đầu bằng cách loại bỏ những thứ lộn xộn và xếp các món đồ vào đúng vị trí. Khi có nhiều thời gian hơn, bạn có thể quay lại để làm sạch kỹ hơn, tránh dở dang mọi việc.
Đợi đến khi mọi thứ quá tải
Chờ đến khi nhà cửa thực sự bừa bộn mới động tay vào dọn dẹp là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn dành ra vài phút mỗi ngày cho việc dọn dẹp cùng các thành viên trong gia đình, hoặc phân công nhiệm vụ giữ gìn khu vực cụ thể luôn sạch sẽ, thì việc dọn dẹp sẽ không bao giờ trở nên quá vất vả.
Các tin khác