Các bệnh tâm lý thường gặp ở trẻ vị thành niên
Trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi,... là các vấn đề tâm lý phổ biến lứa tuổi mới lớn thường gặp phải.
Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em nhận thức sự thay đổi về sinh lý và tâm lý. Trẻ nhận biết các thay đổi của vẻ bề ngoài; phát triển cách giao tiếp với xã hội, phát triển cảm xúc cá nhân. Trong đó, WHO chỉ ra yếu tố môi trường gia đình, trường học và cộng đồng có sức ảnh hưởng quan trọng đến tinh thần trẻ.
Trong báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 11/2021, cứ 7 trẻ 10-19 tuổi trên thế giới có một trẻ bị mắc vấn đề rối loạn tâm lý, chiếm 13% tỷ lệ các bệnh trẻ em ở lứa tuổi này. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật khác, tàn tật ở thanh thiếu niên.
Rối loạn cảm xúc
Báo cáo từ nghiên cứu tháng 11/2021 của WHO cho thấy, các vấn đề rối loạn cảm xúc thường gặp phải ở thanh thiếu niên và có thể chữa khỏi khi trưởng thành. Trong đó, rối loạn lo âu phổ biến nhất ở nhóm tuổi này. Ước tính có 3,6% trẻ 10-14 tuổi và 4,6% trẻ 15-19 tuổi bị rối loạn lo âu. Bệnh trầm cảm được ước tính xảy ra ở 1,1% thanh thiếu niên 10-14 tuổi và 2,8% thanh thiếu niên 15-19 tuổi. Trầm cảm và lo lắng có chung một số triệu chứng như thay đổi tâm trạng nhanh chóng và bất ngờ.
Rối loạn lo âu và trầm cảm có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc học và các hoạt động thể chất. Trẻ gặp phải vấn đề rối loạn cảm xúc lâu dài có biểu hiện tự rút khỏi các hoạt động tập thể, trở nên cô lập, cô đơn, nghiêm trọng là tự vẫn.
Rối loạn hành vi
Các rối loạn hành vi thường mắc ở nhóm thanh thiếu niên trẻ hơn nhóm thanh thiếu niên lớn tuổi. Cụ thể, rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD), thể hiện ở trẻ gặp khó khăn ở khả năng tập trung, hiếu động quá mức và có hành vi bốc đồng. Theo dữ liệu thống kê của Mỹ, chứng rối loạn hành vi xảy ra ở 3,1% trẻ 10-14 tuổi và 2,4% trẻ 15-19 tuổi. Rối loạn hành vi có thể ảnh hưởng đến việc học hành của thanh thiếu niên, tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống liên quan đến hành vi ăn uống bất thường, biểu hiện qua chứng chán ăn tâm thần và chứng ăn vô độ tâm thần. Trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống có sự rối loạn trong hành vi, suy nghĩ quá độ về trọng lượng và hình dáng cơ thể. Chứng chán ăn tâm thần có thể gây nguy hại đến tính mạng trẻ, thường do các biến chứng y tế khác hoặc tự vẫn. Tổ chức WHO cũng khuyến nghị, bệnh này có tỷ lệ tử vong cao hơn các vấn đề tâm lý khác.
Rối loạn tâm thần
Chứng rối loạn tâm thần thường xuất hiện ở trẻ cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh đa dạng, phổ biến nhất gồm ảo giác hoặc ảo tưởng. Những trải nghiệm này có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ, khiến khả năng tham gia sống và học tập thường nhật bị giảm sút, dẫn đến các vấn đề kỳ thị hoặc hành xử bạo lực.
Tự tử và tự làm hại bản thân
WHO cũng nêu, hành vi tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở thanh thiếu niên 15-19 tuổi. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử phổ biến như sử dụng quá độ chất cồn, trẻ bị ngược đãi từ thời thơ ấu, trẻ bị phân biệt đối xử khi đang kiếm tìm sự giúp đỡ và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc thuở thiếu thời. Trong đó, phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên các nỗ lực phòng hành vi tự tử ở trẻ.
Thực hiện hành vi rủi ro
Trẻ tham gia thực hiện các hành vi rủi ro biểu hiện qua nhiều khía cạnh, như ưa lái xe tốc độ cao, dùng chất kích thích hoặc chấp nhận tham gia hành vi tình dục nguy hiểm. Hành vi rủi ro như giải pháp tạm thời để trẻ đối phó với những vấn đề của cảm xúc khác của bản thân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Cac yếu tố nguy cơ
Thanh thiếu niên càng tiếp xúc nhiều với các yếu tố nguy cơ, tác động các nguy cơ đến tâm lý trẻ càng lớn. Một số yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng tâm lý trẻ được WHO cho biết như: trải qua nghịch cảnh, áp lực bị bỏ lại phía sau so với bạn bè cùng trang lứa, các phương tiện truyền thông trẻ tiếp cận, chuẩn mực giới. Các yếu tố liên quan quan trọng khác cũng được nhắc đến, gồm chất lượng cuộc sống gia đình và chất lượng các mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa. Cụ thể, cách nuôi dạy con, đời sống học đường hay các vấn đề chung của kinh tế xã hội là các yếu tố liên đới, ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực lên tinh thần trẻ.
Nhiều người trưởng thành hút thuốc cho biết đã tập hút lần đầu trước 18 tuổi. Thói quen sử dụng thức uống có cồn và các chất kích thích khi còn ở tuổi vị thành niên là nguy cơ phổ biến dẫn đến mắc các chứng bệnh tâm lý ở trẻ.
Không được hỗ trợ giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên có thể gây kéo dài bệnh tâm lý đến tuổi trưởng thành, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân. Trẻ sẽ bị mất đi cơ hội có được cuộc sống viên mãn khi trưởng thành.
UNICEF khuyến khích ba mẹ, người chăm sóc hãy vừa yêu thương trẻ, vừa quan tâm chăm sóc cho bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù bạn và trẻ đang hòa thuận hay mâu thuẫn, người lớn cần thể hiện sự ủng hộ trẻ, cho trẻ thấy bạn có thể giúp con vượt qua những khi con gặp khó khăn ở tuổi vị thành niên. Khuyến khích con giãi bày cảm xúc sau giờ học, dành thời gian hỗ trợ con như cùng con tạo các thói quen mới, nhưng không quá xen vào không gian riêng của con. Ba mẹ chủ động cùng con giải quyết mâu thuẫn, lắng nghe quan điểm của con, tránh thảo luận khi nóng giận và không giành quyền kiểm soát.
Là người chăm sóc, chính ba mẹ cũng cần được chăm sóc và được hỗ trợ khi cần thiết. Vì thế, tự chăm sóc tốt bản thân cũng là cách tốt người lớn làm gương cho trẻ.
Ba mẹ và người chăm sóc cũng nên lưu ý khuyến khích trẻ duy trì thói quen lành mạnh như, chăm sóc giấc ngủ, tập thể dục thường xuyên, khuyến khích trẻ phát triển các kỹ năng giải quyết tình huống, phát triển kỹ năng giao tiếp và học cách quản lý cảm xúc.
Các tin khác