Bệnh thiếu vitamin thường gặp
Trẻ thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của cơ thể cũng như trí lực của bé sau này. Cha mẹ hãy thường xuyên cung cấp nguồn vitamin cho bé thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
Cơ thể rất cần vitamin để thực hiện quá trình trao đổi chất và các phản ứng sinh hóa. Vitamin cần được bổ sung từ nguồn thức ăn bên ngoài do cơ thể không thể tổng hợp đầy đủ.
Trẻ thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của cơ thể cũng như trí lực của bé sau này. Cha mẹ hãy thường xuyên cung cấp nguồn vitamin cho bé thông qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày.
1. Vitamin là gì?
Vitamin là những chất hữu cơ cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, duy trì sức khỏe và có vai trò trong việc điều hành chức năng của các cơ quan. Cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin (ngoại trừ hai loại vitamin D và K) nên cần phải bổ sung qua đường thức ăn.
Hiện nay, theo thống kê có khoảng trên 30 loại vitamin, trong đó có khoảng trên 10 loại rất cần thiết cho cơ thể như vitamin D, A, C, B, K,... Vitamin không mang lại năng lượng cho cơ thể nhưng nó tham gia vào các quá trình trao đổi chất và phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người.
2. Tại sao trẻ thường bị thiếu vitamin?
Do nhu cầu về vitamin ở trẻ tương đối cao, cơ thể phát triển mạnh nhưng không được cung cấp đủ do nhiều nguyên nhân (trẻ không ăn đủ lượng vitamin cần thiết, thực đơn không cân đối, trẻ gặp vấn đề trong hấp thụ và chuyển hóa vitamin…)
3. Những bệnh thiếu vitamin thường gặp:
Hiện nay, trẻ hay bị thiếu các loại vitamin D, A, C, B, PP và K. Triệu chứng thiếu vitamin thường không biểu hiện sớm nên bé thường được phát hiện bị thiếu vitamin khi đã rơi vào giai đoạn thiếu trầm trọng hoặc phát hiện khi bé bị ốm và đi khám vì nguyên nhân khác.
Thiếu vitamin D:
Đây là một bệnh khá thường gặp khi các bé được đi khám các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, còi xương hoặc béo phì, chán ăn, chậm lớn… Trẻ thiếu vitamin D sẽ có triệu chứng khóc đêm, mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp mềm rộng và lâu kín, chậm mọc răng, chậm biết lẫy, biết bò, biết đi, đầu hay bị bẹt do nằm. Nặng hơn có thể thấy sự biến dạng xương đầu (có bướu đỉnh hoặc trán); lồng ngực (ngực gồ, chuỗi hạt sườn), xương chi (đi vòng kiềng, chữ bát),..
Thiếu vitamin A:
Thiếu vitamin A thường liên quan đến các bệnh về mắt và da. Trẻ hay bị các bệnh liên quan đến mắt như sợ ánh sáng “quáng gà”, nặng hơn có thể mù lòa do khô hay đục giác mạc. Ngoài ra, trẻ thiếu vitamin A thường bị khô da, bong vảy, móng tay giòn, dễ gãy, tóc thưa và khô.
Thiếu vitamin A còn có thể dẫn đến các hậu quả khó nhận biết như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm sức đề kháng làm trẻ hay mắc bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa và da.
Thiếu vitamin C:
Trẻ thiếu vitamin C thường hay bị các vết bầm tím, chảy máu chân răng, vết thương lâu lành, chậm tăng trưởng, đau gân và cơ, gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch và viêm khớp.
Thiếu vitamin B1:
Trẻ thiếu vitamin B1 thường có các triệu chứng như khó vận động chân, hay bị chuột rút, đôi khi thấy phù nhẹ ở chân tay và mặt, thường đánh trống ngực, đau vùng trước tim và khó thở.
Nếu không bổ sung kịp thời bệnh có thể chuyển sang các thể nặng hơn như viêm cơ tim, suy tim cấp, viêm và liệt đa dây thần kinh ngoại biên, mất tiếng, giả màng não, tử vong đột ngột nhất là ở trẻ còn bú.
Thiếu vitamin B2:
Trẻ thiếu vitamin B2 sẽ bị viêm da tiết bã, dễ dẫn đến viêm nang lông. Ngoài ra còn có các triệu chứng như viêm lưỡi và môi, mất ngủ, đau đầu và mất trí nhớ,...
Thiếu vitamin B12:
Trẻ thiếu vitamin B12 thường chán ăn, rối loạn tiêu hóa, da mặt bạc do thiếu máu, …
Thiếu vitamin PP:
Trẻ thiếu vitamin PP thường khó ngủ và mệt mỏi, có những sang thương da, hay tiêu chảy, viêm miệng và lưỡi.
Thiếu vitamin K:
Thiếu vitamin K hay gặp ở giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh có thể bị chảy máu ở rốn, đường tiêu hóa (nôn ra máu, tiểu ra máu), nặng thì có thể xuất huyết màng não và não.
Tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ các vitamin nhưng nếu không được đáp ứng, đặc biệt vào các giai đoạn trẻ “khủng hoảng” vitamin thì sẽ kéo theo nhiều hậu quả khác, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Do vậy, khi thấy bé có những triệu chứng thiếu vitamin cha mẹ nên bổ sung kịp thời qua việc điều chỉnh thực đơn cho bé. Khi cần thì nên đưa bé đi khám để được tư vấn bổ sung vitamin đúng liều lượng. Không tự ý bổ sung vitamin cho bé vì khi thừa vitamin cũng sẽ gây nên những hậu quả không tốt.
Các tin khác