KIẾN THỨC NUÔI DẬY CON PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

›› Trang chủ
›› Mang thai
›› Chăm con
›› Dạy con
›› Gia đình
›› Giảm cân

Chăm conChăm con đúng cách

Cách bổ sung vitamin cho trẻ qua thực phẩm

Cách bổ sung vitamin cho trẻ qua thực phẩm

Vitamin là những yếu tố luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...), nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì không thiếu, không cần bổ sung.
Tuy nhiên, việc quảng cáo quá mức về thuốc bổ, vitamin và các vi chất dinh dưỡng đang làm tình trạng lạm dụng thuốc lan tràn, phổ biến hơn, gây những tai biến khó lường do thừa vitamin và vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, bổ sung vitamin cũng cần khoa học và có kiến thức nhất định.

1. Vitamin A (retinol)
Có nhiều trong gan, thận, sữa. Tiền tố vitamin A có nhiều trong cà rốt, rau xanh, quả mơ, dưa chuột, quả đào, ngô. Nếu không có bệnh tật gì về đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thì với mức ăn uống bình thường đã đủ hoặc ít nhất cũng đảm bảo được 50% nhu cầu vitamin A. Chỉ thiếu khi thức ăn quá nghèo hay hấp thu kém hoặc khi nhu cầu tăng khi bị bệnh mắt, bị bỏng...
Nếu cần bổ sung vitamin A (bằng ăn uống hay dùng thuốc), cần theo liều khuyến cáo mỗi ngày nam là 3.000 IU, nữ 2.300 IU vitamin A. Đối với trẻ đã uống vitamin A trong chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng (6 tháng một lần) thì không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc chứa vitamin A nào nữa.

2. Vitamin D
Vitamin D cung cấp cho con người chủ yếu là qua ánh nắng mặt trời. Nếu trẻ sinh ra được chăm sóc tốt và được phơi nắng đều đặn mỗi ngày khoảng 30 phút là đã đảm bảo lượng vitamin D cần thiết.

Với trẻ béo phì, nhu cầu vitamin D sẽ cao hơn giúp xương chắc khỏe để nâng đỡ cơ thể trẻ. Vì vậy, trẻ cần được phơi nắng nhiều hơn. Nếu có áp dụng chế độ ăn kiêng cho trẻ thì vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ vitamin D từ cá, trứng, gan… Với trẻ mắc bệnh còi xương, cần bổ sung vitamin D bằng thuốc. Tuy nhiên, liều lượng và cách dùng phải được bác sĩ kê đơn.

3. Vitamin E
Có nhiều trong các hạt ngũ cốc, lúa mì, ngô, đậu, giá đỗ, dầu lạc, dầu ôliu, rau xanh, gan, mỡ, bơ, lòng đỏ trứng... Tuy nhiên, vitamin E dễ bị mất tác dụng trong không khí, tia cực tím, nhiệt độ cao.

Nhu cầu hàng ngày về vitamin E của người lớn là 10-30mg. Nếu ăn uống đa dạng các thực phẩm trên và cơ thể hấp thu bình thường sẽ không bị thiếu hụt vitamin E.

Cần bổ sung vitamin E trong những trường hợp sau: dọa sảy thai, phụ nữ bị sảy thai liên tiếp, vô sinh; teo cơ; thiếu máu, tan máu, bệnh xơ cứng bì ở trẻ em và lipid máu cao; cận thị tiến triển do giảm sự ôxy hóa của β- caroten và chứng đái dầm sau đẻ hoặc rối loạn kinh nguyệt...

4. Vitamin C
Có nhiều trong cam, chanh, bưởi, rau xanh, cải bắp, cải xoong, quýt, sơ ri, cóc, ổi, bưởi, táo, xoài, dưa hấu, đu đủ... và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, rau cải, cà chua, khoai tây, xoài, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ổi...

Vitamin C trong trái cây và rau củ quả dễ bị mất theo thời gian, bị phơi dưới ánh nắng, ngâm rửa trong nước lâu, chế biến ở nhiệt độ cao. Nên lựa chọn thực phẩm tươi và ăn sớm, ăn lúc còn nóng... để nhận được nhiều vitamin C hơn. Mỗi ngày, mỗi người chỉ cần 70-100mg vitamin C, tức là ăn khoảng 100-200 g trái cây các loại hoặc khoảng 200-300 g rau.

5. Vitamin B1
Có nhiều trong gạo, bột mì, bột đậu xanh, thịt gà, nấm, thịt, cá, tôm và thuỷ sản, trứng, các loại đậu đỗ, nhất là trong cám gạo, ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Vitamin B1 sẽ bị thất thoát khi gạo xay xát hoặc vo quá kỹ, qua mồ hôi, cơ thể thai nghén, nuôi con bú, mắc các bệnh đường ruột, tiêu chảy, giun sán, sốt kéo dài...
Để phòng bệnh, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, không vo gạo quá kỹ, ăn đủ khẩu phần đạm, mỡ trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi chế biến thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế làm mất vitamin B1 (vitamin B1 kém chịu nhiệt, khi đun sẽ bị mất 35-70%.).

Đối với các trường hợp sốt cao, cảm cúm, sau đẻ, người có bệnh đường ruột, tiêu chảy, làm việc hay tập luyện mất nhiều mồ hôi... cần bổ sung thêm vitamin B1.

6. Vitamin B6
Bao gồm: chuối, đậu đỏ, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, thịt bò nạc, pho mát, súp lơ, cà rốt, cải bắp, rau bina, đậu nành, đậu phộng, trứng, gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô...

Nhu cầu vitamin B6 hàng ngày của trẻ từ sơ sinh đến 8 tuổi là từ 0,1-0,6mg. Để đảm bảo lượng vitamin B6 tốt nhất, sản phẩm hoa quả, thịt tươi sống cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh; sữa và ngũ cốc nên để nơi thoáng mát, khô ráo, không ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

7. Vitamin B9 (hay còn gọi là axit folic)
Có nhiều trong măng tây, rau xanh, đậu rau xanh, gan, thịt gà, trứng. Vitamin B12 có nhiều trong pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng.

Trong các bữa ăn hàng ngày, có đầy đủ thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây được thay đổi luân phiên nhau, thì có thể đảm bảo được tất cả lượng vitamin cần cung cấp. Vì vậy không cần thiết phải bổ sung bằng thuốc. Chỉ trừ khi cơ thể có biểu hiện thiếu vitamin và khi nhu cầu của cơ thể cần nhiều vitamin hơn bình thường như phụ nữ có thai… thì cần bổ sung dưới dạng thuốc nhưng nhất thiết cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Các tin khác

Xem tất cả bài viết thuộc mục: Chăm con đúng cách
Trang chủ     Giới thiệu     Chính sách bảo mật     Tuyên bố từ chối trách nhiệm

Copyright © 2016 Chametainang.com - Email: chametainang.com@gmail.com - Liên hệ QC. Mr. Hiền 0989343566
Chia sẻ kiến thức chăm sóc Mẹ & Bé - Chăm sóc nuôi dạy con phát triển toàn diện

khan qua tang | khan khach san | khan spa | https://www.youtube.com/@scalpgoldwin1982