Cách dạy con đáng kinh ngạc của người Đức
Lần đầu tiên tôi đến một sân chơi ở Berlin, tôi đã vô cùng choáng váng và sợ hãi về cách nuôi dạy con của người Đức.
Tất cả các ông bố bà mẹ Đức có mặt ở sân chơi lúc đó đều đang tụ lại một chỗ, uống cà phê, tám chuyện và chẳng bận tâm chút nào tới lũ trẻ đang treo mình lơ lửng trên một con rồng gỗ cách bãi cát phía dưới khoảng 6m. “Nhìn kìa! Ôi không!”, tôi thét lên bằng thứ tiếng Đức còn ngọng nghịu. Nhưng cả bọn trẻ và các bậc phụ huynh Đức đều phớt lờ tôi.
Trái ngược với suy nghĩ phổ biến rằng người Đức rất nghiêm khắc, những phụ huynh Đức tôi gặp đều không như vậy. Họ rất coi trọng sự tự lập và khả năng chịu trách nhiệm. Những ông bố bà mẹ ở sân chơi hôm đó không hề bỏ mặc các con mình – họ chỉ thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối dành cho các con. Berlin không cần tới một chiến dịch cổ động cha mẹ hãy dành tự do cho con trẻ bởi tự do là khái niệm thông thường ở đây.
Một vài điều đáng kinh ngạc trong cách dạy con của người Đức:
Không thúc ép con học đọc
Trường mẫu giáo ở Berlin không nhấn mạnh vào việc tăng cường khả năng học thuật. Trên thực tế, giáo viên và các phụ huynh khác đều khuyên tôi không nên dạy con đọc. Bởi đó là điều đặc biệt mà trẻ sẽ học cùng nhau khi bước vào cấp 1. Mẫu giáo là thời điểm để chơi và học cách giao tiếp xã hội. Nhưng thậm chí cả khi vào lớp 1, học sinh Đức cũng không phải học tập quá gắt gao. Sẽ có thời gian là nửa ngày giáo viên hướng dẫn học sinh học, còn lại là 2 lần chơi ngoài trời.
Các bạn đừng nghĩ hướng tiếp cận giáo dục có phần thả lỏng này đồng nghĩa với chất lượng yếu kém: Theo một đánh giá năm 2012 của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, học sinh 15 tuổi ở Đức thể hiện tốt hơn so với mặt bằng chung của thế giới trong các môn đọc, toán và khoa học. Trong khi đó, học sinh đến từ một nền giáo dục được xem là tiên tiến nhất nhì thế giới là Mỹ lại tụt hậu khá xa trên bảng xếp hạng này.
Khuyến khích trẻ chơi với lửa
Bé học lớp 2 của tôi mang về một thông báo của nhà trường với niềm hưng phấn thấy rõ. Bọn trẻ chuẩn bị làm một dự án về lửa. Liệu tôi sẽ để con bé thắp nến và thực hiện các thí nghiệm với diêm? Cùng nhau, chúng tôi đã thắp nến và đốt cháy vài thứ, một cách an toàn. Thật tuyệt vời. Bé nhà tôi là đứa trẻ duy nhất không được phép tự đốt pháo hoa trong đêm Giao thừa.
Để trẻ con đi tới nhiều nơi một mình
Phần lớn trẻ con đến trường hoặc đi lại xung quanh khu mình ở mà không có cha mẹ đi cùng. Một số thậm chí còn tự đi tàu điện ngầm. Cha mẹ Đức rất quan tâm tới vấn đề an toàn, tất nhiên rồi, nhưng họ thường tập trung nhiều vào tình trạng giao thông hơn là chuyện bắt cóc trẻ em. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc đi bộ khu vực gần nhà mà không có bố mẹ, hay gọi theo thuật ngữ “di chuyển độc lập”, rất tốt cho trẻ.
Tiệc tùng khi bắt đầu đi học
Một người bạn Berlin của tôi có lần nói với tôi rằng có 3 sự kiện lớn nhất trong đời một con người là: bắt đầu vào lớp 1, là người trưởng thành và kết hôn.
Ở Đức, sự kiện vào lớp 1 được tổ chức rất long trọng tại trường và đó là một ngày thứ 7. Sẽ có một chiếc kẹo lớn khổng lồ bằng với chiều cao đứa trẻ, trong đó gồm rất nhiều bút chì, đồng hồ, kẹo… Một bữa tiệc được tổ chức sau đó dành cho gia đình và bạn bè. Sự kiện vào lớp 1 được trẻ con Đức vô cùng trông đợi. Nó đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cuộc đời và mang theo niềm hi vọng về tinh thần học tập hăng say. Còn sự kiện người trưởng thành diễn ra khi trẻ 14 tuổi. Một lễ kỉ niệm, tiệc tùng, những món quà cũng ngập tràn sự kiện này, đây là bước chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đứa trẻ.
Đưa trẻ ra ngoài mỗi ngày
Theo một câu ngạn ngữ Đức, “chẳng có gì tệ bằng thời tiết xấu, ngoài trang phục không phù hợp. Giá trị của thời gian chơi ngoài trời được nhà trường rất chú trọng. Ở Berlin có vô số sân chơi cho trẻ. Bất kể thời tiết lạnh giá, bầu trời âm u xám xịt tới mức nào, các bậc phụ huynh ở Berlin sẵn sàng trang bị quần áo ấm cho con và đưa chúng ra công viên hoặc để chúng tự đi.
Kể từ khi chuyển tới Berlin, tôi đã cố gắng áp dụng một số cách dạy concủa người Đức và con gái 8 tuổi của tôi đã trèo lên được đầu con rồng gỗ. Nhưng tôi vẫn do dự không dám để con đi bộ một mình trong khu nhà tôi.
Tôi chỉ vừa mới tiến một bước nhỏ trong chuyện này thôi. Đó là để con gái tự đi tới hiệu bánh, ngay bên dưới chung cư. Lần đầu tiên được tự mình ra tiệm bánh, con gái trở về, nét mặt tươi rói, hãnh diện khoa với tôi túi bánh mì sandwich vừa mua.
Tôi nghĩ chắc chẳng cần nói cho con gái biết, như mọi bà mẹ Mỹ khác, tôi đã đứng trên ban công và dõi theo bước chân con gái mình.
Các tin khác