Những điều cha mẹ nên từ bỏ để con trẻ được phát triển tốt nhất
Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình năng động và có được một tương lai thành công. Tuy nhiên, có một đường chỉ rất mong manh giữa việc đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng và việc quản lý quá chặt chẽ con em mình.
Khi trẻ cảm thấy bị ngột ngạt bởi quá nhiều quy tắc và mong đợi, sự tự tin và óc sáng tạo của chúng sẽ bị giảm đi đáng kể. Dưới đây là 7 điều các ông bố, bà mẹ nên từ bỏ để con trẻ có không gian phát triển một cách lành mạnh, vui vẻ và tự do.
1. Đừng bắt trẻ phải làm theo ý mình
Dĩ nhiên là trẻ em cần được hướng dẫn khi chúng học hỏi, tìm hiểu thế giới quanh mình, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cần phải được bảo phải làm như thế này, như thế kia trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Thay vì vậy, hãy hỏi trẻ về những hành động mà trẻ đã tự chọn. Việc dạy dỗ con của bạn bằng những hướng dẫn mang tính ép buộc và không cần thiết về cách sống sẽ khiến cho trẻ sinh ra oán giận và cản trở óc sáng tạo bởi vì chính bạn là người đã tư duy thay cho trẻ.
Nghiên cứu được công bố trong tờ Sociological Spectrum cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ tạo không gian tự do nhiều hơn sẽ ít có khả năng trở thành nạn nhân của nỗi lo sợ, trầm cảm hay cảm giác thất bại trong những năm đi học so với những đứa trẻ được kiểm soát sát sao hoặc sống trong môi trường “nuôi dạy trực thăng” (helicopter parenting).
2. Đừng đặt ra những mong đợi không thực tế
Hãy nhớ rằng trẻ còn nhỏ và cũng là một người bình thường nên đừng đặt ra những mục tiêu quá xa vời bắt trẻ thực hiện. Con bạn sẽ bị căng thẳng rất nặng khi chúng có suy nghĩ mình phải là người giỏi nhất ở lĩnh vực nào đó (hoặc mọi lĩnh vực) để vừa lòng bố mẹ.
Tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Hãy cho con của bạn biết rằng bạn trân trọng những kỹ năng và tài năng riêng của chúng.
3. Đừng bảo vệ quá chặt chẽ
Nếu bạn là kiểu người có xu hướng lo lắng quá nhiều về mọi khả năng tai nạn có thể xảy ra, đừng thể hiện thái độ này trong việc nuôi dạy con cái của mình.
Trẻ cần phải có tự do để trải nghiệm những điều mới mẻ và cần phải phạm sai lầm của riêng chúng. Nếu bạn luôn kéo trẻ lại trước những cơ hội hoặc các hoạt động mà chúng có khả năng gặp nguy hiểm (dù chỉ 1%), bài học trẻ học được là: Thế giới là một nơi không an toàn. Kết quả là chúng sẽ gần như bỏ qua những rủi ro tích cực trong tương lai.
4. Đừng quyết định thay cho trẻ
Một kỹ năng quan trọng để trẻ phát triển thành công đó là học cách đưa ra những quyết định đúng đắn. Khả năng này cần được phát triển ngay từ thuở bé. Hãy giúp trẻ của bạn đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống, như là chọn sở thích hay ngành học mà trẻ thích. Nhưng hãy giúp cho trẻ hiểu rằng trẻ sẽ là người chịu trách nhiệm với quyết định riêng của mình.
Trong cuốn sách Excellent Sheep của mình, nhà nghiên cứu Bill Deresiewicz đã nói rằng việc tham dự quá nhiều về mặt lý thuyết suông sẽ làm tăng rủi ro trẻ bị trầm cảm, lo lắng và nỗi sợ thất bại sau này trong cuộc sống.
5. Đừng trách móc vì sai lầm của trẻ
Ai cũng phạm sai lầm, bao gồm cả trẻ của bạn. Trừ khi đó là sai lầm đặc biệt từ một quyết định hoàn toàn không sáng suốt, hãy cố gắng đừng trách móc trẻ nhiều hơn mức cần thiết khi chúng phạm lỗi. Lỗi lầm thường là tài sản vô giá để có được những kiến thức mới. Hãy ngồi xuống cùng với trẻ và nói về cách mà chúng có thể học hỏi được từ sai lầm và đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho lần sau.
6. Đừng tán dương sự thông minh của trẻ
Khi trẻ được tán dương vì những nỗ lực của chúng chứ không phải vì sự thông minh, chúng sẽ có xu hướng thúc đẩy bản thân chăm chỉ hơn trong tương lai. Còn việc tán dương trẻ vì sự thông minh sẽ tạo cho chúng 1 ấn tượng rằng bạn đang tán dương một đặc điểm cố định vốn không thể kích thích chúng cải thiện bản thân tốt hơn.
7. Đừng đặt ra quá nhiều quy tắc gia đình
Một số quy tắc gia đình là cần thiết. Nhìn chung, trẻ cần có một số ranh giới và cần được dạy từ sai đến đúng. Tuy nhiên, sống trong một môi trường có quá nhiều quy tắc hà khắc sẽ khiến trẻ luôn phải lo sợ khi phá vỡ quy tắc. Điều đó dẫn đến việc sự sáng tạo của trẻ có thể bị dập tắt nếu chúng cảm thấy chúng chỉ là một chiếc bánh răng nhỏ trong guồng máy gia đình vốn có truyền thống ai cũng phải có hành vi như nhau.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học tại trường đại học Colorado-Boulder đã phát hiện ra nhiều mối liên hệ giữa những đứa trẻ được nuôi dạy theo cơ cấu chặt chẽ và sự thiếu khả năng đưa ra quyết định. Hãy thay đổi và bỏ đi những quy tắc gia đình nếu chúng hoàn toàn không đem lại lợi ích gì cho trẻ.
Nhìn chung, để trẻ được phát triển tự do và đầy đủ, hãy cho trẻ không gian riêng để vui chơi, quyết định, vấp ngã và đứng lên từ những sai lầm.
Chỉ có những bài học thực tế mới có thể giúp trẻ trưởng thành và trở thành một người thành công trong cuộc sống!
Các tin khác