Tỏi giúp giảm nguy cơ ung thư
Một số hợp chất trong tỏi góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ cải thiện ung thư qua một số nghiên cứu.
Tỏi có chứa các kháng sinh tự nhiên ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, chất oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và đặc tính chống viêm, góp phần ngăn ngừa ung thư. Trong nghiên cứu về tỏi do nhóm tác giả thuộc Đại học Qassim (Ả rập xê út) năm 2019 cho thấy, tỏi có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư.
Theo các nhà nghiên cứu, tỏi chứa nhiều lưu huỳnh, flavonoid và selen. Khi bị đập dập, băm nhỏ, nó sẽ tạo ra hợp chất allicin. Hợp chất này tác động lên các tế bào được gọi là tế bào truyền tín hiệu, kiểm soát sự phát triển của tế bào. Ba trong số các hợp chất chống ung thư trong tỏi bao gồm:
Allicin: có tính kháng sinh và kháng nấm, có lợi quá trình điều trị ung thư. Ăn tỏi sống sẽ giữ được nhiều hợp chất allicin hơn vì khi nấu lên, quá trình phân hủy allicin diễn ra nhanh chóng và vô tình loại bỏ các lợi ích sức khỏe của allicin trong tỏi.
Flavonoid: có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Các hợp chất này có thể giúp chống lại ung thư bằng cách ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Selenium và allyl sulfide: những chất này giữ cho DNA của tế bào không bị hư hại. DNA bị tổn thương là nguyên nhân gốc rễ của bệnh ung thư.
Nhiều nghiên cứu trong việc ngăn ngừa ung thư của tỏi cho thấy, tỏi có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư phát triển đồng nghĩa với nhiều quá trình trong cơ thể cũng thay đổi, trong đó, bắt đầu từ DNA bên trong tế bào trở nên bất thường. DNA bất thường tạo ra các tế bào ung thư mới một cách không kiểm soát. Các hợp chất trong tỏi đóng vai trò trong việc cải thiện quá trình phát triển của tế bào ung thư, bao gồm cả việc sửa chữa DNA và ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
Nghiên cứu của trường Đại học Qassim cũng cho thấy, tỏi ảnh hưởng đến các đường truyền tín hiệu trong sự phát triển của ung thư theo nhiều cách bao gồm:
Ngừng chu kỳ tế bào: tỏi góp phần ngưng chu kỳ tế bào, có nghĩa là nó ngăn các tế bào tiếp tục phân chia. Một số thuốc hóa trị ung thư cũng tập trung vào nhiệm vụ ngưng chu kỳ tế bào.
Giảm phát triển mạch máu: tế bào ung thư cần máu và chất dinh dưỡng để tồn tại. Tỏi có tác dụng làm giảm khả năng của các tế bào ung thư, thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu mới.
Gia tăng tế bào chết: hầu hết các tế bào bình thường sẽ chết trong một thời điểm nhất định, nhưng các tế bào ung thư có thể tránh được chu kỳ chết tự nhiên này. Tỏi và các thành phần của nó có thể làm tăng tỷ lệ tế bào ung thư chết.
Ung thư dạ dày rất phổ biến trên thế giới, là căn bệnh ung thư được chẩn đoán hàng đầu ở một số quốc gia. Một nghiên cứu năm 2019 ở Trung Quốc cho thấy, điều trị Helicobacter pylori (H. pylori) trong 2 tuần hoặc bổ sung tỏi trong 7 năm làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do ung thư dạ dày.
Tỏi dễ dàng đưa vào chế độ ăn uống. Tuy nhiên để tránh tương tác bất lợi giữa tỏi với thuốc đang dùng, trước khi sử dụng tỏi hay các thực phẩm nào khác, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chỉ định phù hợp.
Các tin khác