Bí quyết ngăn ngừa chuột rút thai kỳ hiệu quả cho mẹ bầu
Để không mắc phải những cơn đau thắt ở cơ chân do chuột rút gây ra, mẹ bầu nên duy trì 6 thói quen sinh hoạt sau đây.
Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, khiến bệnh nhân không thể cử động. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường do trời lạnh, hoạt động quá mức, sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị chuột rút rất cao. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, ngay từ đầu thai kì, mẹ bầu cần thực hiện ngay những việc này:
Bổ sung canxi
Một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút ở mẹ bầu là do thiếu canxi. Những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể mẹ tăng cao để phục vụ cho sự phát triển của bé. Khi lượng canxi không được hấp thụ đầy đủ, cơ thể mẹ sẽ tự rút canxi để truyền cho bé. Do đó, mẹ bầu gặp phải tình trạng đau nhức, căng cứng cơ, co rút,...
Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ canxi cần thiết từ các loại thực phẩm tự nhiên giàu canxi như sữa, hải sản, rau lá xanh… Ngoài ra có thể bổ sung lượng chất này bằng cách uống viên canxi tổng hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp thiếu canxi trầm trọng, phụ nữ mang thai sẽ được chỉ định tiêm bổ sung trực tiếp vào tĩnh mạch.
Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Đầu thai kỳ, các triệu chứng ốm nghén, biếng ăn, mệt mỏi khiến cơ thể mẹ bầu thiếu dinh dưỡng, mất nước, mất cân bằng điện giải gây co cứng cơ dẫn đến chuột rút.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu, chị em bầu nên bổ sung nhiều nước, vitamin và các khoáng chất cần thiết như canxi, magie và photpho…. Một số thực phẩm cần có mặt trong thực đơn hằng ngày như chuối, hạnh nhân, các loại rau lá xanh sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cơ, xương.
Thường xuyên vận động
Đi bộ, tập yoga và các bài thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp hệ vận động nói chung và cơ bắp nói riêng trở nên linh hoạt, máu lưu thông tốt hơn.
10 phút đi bộ hoặc tập yoga mỗi ngày sẽ giúp cơ thể điều tiết lưu lượng máu ở chân và hạn chế tình trạng chuột rút.
Với những chị em làm việc văn phòng, hãy tranh thủ đứng lên và đi lại hoặc ngồi thoải mái, duỗi chân và vận động thường xuyên. Tránh mang vác các vật nặng, gây áp lực lên đôi chân sẽ khiến hiện tượng chuột rút xảy ra trầm trọng hơn.
Không ngồi vắt chéo chân
Ngồi vắt chéo chân có thể khiến lưu lượng máu ở chân giảm xuống gây tắc nghẽn mạch máu, tê chân và tổn thương khớp.
Khi nằm nghỉ, mẹ bầu cố gắng cử động linh hoạt các ngón chân và tập một vài động tác co duỗi để cải thiện lưu thông máu, giảm bớt nguy cơ chuột rút.
Gác chân lên gối mềm khi ngủ
Gác chân lên cao khi ngủ là cách giúp máu lưu thông đến các cơ dễ dàng hơn. Hãy kê chân lên một chiếc gối mềm, chị em sẽ cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Đồng thời, đây là giải pháp tránh chuột rút hiệu quả nhất khi ngủ vào ban đêm.
Massage chân
Massage, ngâm chân bằng nước thảo dược hoặc sử dụng túi sưởi đặt dưới chân là cách giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi cho đôi chân trước khi đi ngủ.
Massage nhẹ nhàng bằng cách xoa bóp từ đùi đến bắp chân, các ngón chân, mắt cá,… để máu lưu thông đều đặn, giúp các cơ thư giãn và hoạt động tốt hơn.
Xử lý khi bị chuột rút
Khi bị chuột rút, cơ chân co cứng và không thể cử động. Thông thường, hiện tượng này sẽ tự khỏi sau vài phút, tuy nhiên có những trường hợp nặng, mẹ bầu nên xoa bóp hoặc nhờ ông xã đặt túi chườm hay dùng một chai nước nóng chườm lên vùng bị đau. Nếu các cơn đau diễn ra thường xuyên, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Các tin khác