Các chuyên gia y tế khuyên nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng may mắn có lượng sữa dồi dào để cho con bú. Dưới đây là một vài bí kíp giúp mẹ khơi thông nguồn sữa giúp con yêu phát triển toàn diện.
Để có thể đưa ra phương pháp chữa tắc sữa hiệu quả nhất, các mẹ hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu của tắc sữa:
Nguyên nhân tắc tia sữa
- Do ống dẫn sữa bị chèn ép bên ngoài hay bị bít tắc: Sữa mẹ được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn chảy về khoang chứa sữa ở phía sau quầng ngực. Khi trẻ bú, sữa sẽ chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, khi bị chèn ép từ bên ngoài vào hoặc bị bít đường dẫn sữa, thì sữa không thể thoát ra ngoài được và dẫn tới đông kết sữa. Nếu để lâu không điều trị kịp thời có thể khiến tình trạng tắc sữa ngày càng nặng và trở thành bệnh lý.
- Một số nguyên nhân khác như: Mẹ không biết cách massage đầu vú sau khi sinh; mẹ không vắt bỏ sữa thừa khiến sữa bị ứ đọng lại ở bầu vú; không vệ sinh núm vú sau khi cho trẻ bú; do thời tiết lạnh…
Dấu hiệu nhận biết
Khi mẹ bị tắc tia sữa sẽ có các biểu hiện sau: bầu ngực căng to hơn so với bình thường, đau nhức bầu ngực, ngực bị cứng sữa không ra được hoặc ra rất ít. Nếu để kéo dài có thể gây sốt nhẹ, đau nhức nhiều thậm chí bị áp - xe vú.
Cách chữa tắc tia sữa cho mẹ
1. Dùng tay massage hai bầu ngực
Nếu sữa bị nghẹt ứ quá lâu khiến hai bầu ngực bị căng cứng và đau, các mẹ nên dùng tay massage từ từ nhẹ nhàng lên hai bầu ngực theo vòng tròn, tốc độ tăng dần đều, từ 20-30 lần, sau đó dùng lực mạnh xoa bóp để đẩy sữa ra ngoài.
2. Chườm nóng
Để giúp thông tia sữa, các mẹ có thể dùng túi chườm nóng, hoặc khăn nóng chườm lên hai bầu ngực vừa để giảm đau vừa để mở đường cho sữa chảy ra ngoài. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với việc massage nhẹ nhàng.
3. Nhờ sự hỗ trợ của dụng cụ hút sữa
Nếu mẹ bị tắc sữa gần đầu núm vú và sữa bị vón cục thì mới sử dụng phương pháp này. Vì dụng cụ hút sữa chủ yếu hút trực tiếp từ đầu núm vú, đối với trường hợp mẹ bị tắc sữa nằm sâu trong bầu ngực hoặc ở nang sữa thì không thể áp dụng được mà cần phải dùng tay massage để thông tia sữa.
Cách phòng tránh tắc tia sữa
- Mẹ cần vệ thường xuyên vệ sinh ngực bằng khăn mềm ngay sau khi cho con bú để tránh vi khuẩn xâm nhập vừa gây bệnh cho mẹ mà cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của con.
- Sau khi trẻ bú xong, mẹ nên nặn hết sữa ra ngoài để đảm bảo không có sữa đọng lại gây vón cục và tắc sữa.
- Khi bị tắc tia sữa, nếu sử dụng các phương pháp trên không hiệu quả, cần tìm đến bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị ngay, không nên để lâu có thể dẫn đến áp – xe vú rất nguy hiểm cho mẹ.